Tin Ngành Điện
Đưa điện ra đảo Lại Sơn: Thách thức cùng biển cả
Đợt gió mùa Đông Bắc như mũi vacxin trái mùa cuốn tháng 3 đi xa.
Thi công xây dựng các trụ móng trên biển. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Khởi công ngày 4-9-2015, vào Dự án đưa điện ra xã đảo Lại Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang bằng đường dây 110kV trên không đang được Công ty CP Cơ khí Kiên Giang và Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô- Bộ Quốc phòng là các nhà thầu thi công phần trên biển đẩy nhanh tiến độ để có thể hoàn thành công trình cấp điện ra đảo Lại Sơn bằng lưới điện quốc gia trong thời gian sớm nhất.
Đảo Lại Sơn (hay còn được gọi là Hòn Rái, Hòn Sơn hay Hòn Sơn Rái) rộng 11,7 km2, có khoảng 1.600 hộ với 8.200 dân sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh cá, đóng tàu và làm nước mắm. Đảo có 4 làng chài: Bãi Thiên Tuế, Bãi Nhà (trung tâm hành chính của đảo), Bãi Bắc, Bãi Giếng. Ngoài bờ biển bao quanh đảo, thì một trong những thắng cảnh của đảo là đỉnh Ma Thiên Lãnh, cao 450m so với mực nước biển.
Các tổ máy phát điện Diesel trên đảo Lại Sơn sắp hoàn thành sứ mệnh của mình. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Dự án Cấp điện lưới quốc gia cho xã đảo Lại Sơn- Kiên Giang có 6 gói thầu xây lắp, trong đó, 3 gói thầu khó khăn nhất là phần xây dựng móng cột và lắp dựng gột, kéo dây trên biển do Công ty CP Cơ khí Kiên Giang thi công từ vị trí số 2 đến 18 (gói thầu số 2), Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô – Bộ Quốc phòng thi công từ vị trí số 19 đến 49 (gói thầu số 3) và Công ty CP xây lắp điện Cần Thơ thi công phần lắp dựng cột, kéo dây (gói thầu số 4). Khởi công ngày 7-10-2015, tính đến nay đã gần 180 ngày nhưng phần xây dựng móng cột đang được gấp rút hoàn thành. So với tiến độ hoàn thành công trình thì thời gian này đã vượt ngưỡng. Đội trưởng thi công Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô Nguyễn Mạnh Cường cho biết, Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô trúng thầu Gói số 3 là phần khó khăn nhất trên biển với độ sâu mực nước lớn từ 8m-11,5m từ vị trí số 19 đến 49 (31 trụ, mỗi trụ cách nhau 510m) tức phần giữa biển ra đến đảo Lại Sơn. Cọc móng có chiều dài từ 26m-30m, nhưng cọc sản xuất chỉ có chiều dài bằng một nửa nên đơn vị thi công phải nối trên xà lan.
Xà lan chuyên chở và đóng cọc làm móng của Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Lại Sơn là một trong 150 đảo lớn nhỏ, liên kết với nhau gần suốt chiều dài của Vùng biển Tây Nam, trở thành những căn cứ tiền tiêu chiến lược vô cùng quan trọng để bảo vệ tổ quốc, đồng thời cũng là cửa ngõ để chúng ta hòa nhập với thế giới, kết giao với bạn bè. Vùng biển Tây Nam nổi tiếng “hiền hòa” so với các vùng biển khác. Tuy nhiên, để thi công trên biển thì cũng muôn vàn khó khăn. Cứ hễ Miền Bắc có gió mùa là Vùng biển Tây Nam lại dậy sóng, không thể thi công được do thiết bị rung lắc. Đặc biệt, ngày mồng 1 và qua rằm đầu con nước cũng phải ngừng thi công. Nếu không có sóng thì chỉ thi công từ 3-4 ngày là hoàn thành một móng trụ nhưng có sóng thì không thể nói trước được. Địa chất dưới biển có đá, đất sét lần sỏi nên rất khó thi công, vì vậy, dù khởi công từ đầu tháng 10-2015, nhưng thời gian ngừng thi công do biển động nhiều hơn thời gian thi công. Sau Tết Nguyên đán, thưa dần những cơn gió mùa Đông Bắc, những ngày biển lặng nhiều hơn, anh em tận dụng hết thời gian có thể để đẩy nhanh tiến độ thi công, không kể ngày nghỉ, giờ nghỉ. Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô đã phải tăng cường thêm 2 đội thi công đóng cọc. Đến nay, đã hoàn thành 12/31 vị trí.
Những người thợ thi công bám trụ trên biển bất chấp thời tiết khắc nghiệt, biển động. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Dự án Cấp điện lưới quốc gia cho xã đảo Lại Sơn được thi công theo “hai mũi giáp công”, Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô thì công từ phía đảo Lại Sơn vào thì Công ty CP Cơ khí Kiên Giang thi công từ đất liền ra. Gói số 2 trên biển, từ vị trí số 2 đến số 18 được thuận lợi hơn về địa hình, địa chất so với phần thi công của Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô. Độ sâu mực nước chỉ 6m, lại thuộc phần bờ đất liền nên thuận lợi hơn về thời tiết. Đến thời điểm hiện nay, vật liệu cát, đá, xi măng đã được Công ty tập kết tại công trình; hoàn thành lắp đặt cốt thép, ván khuôn bệ móng vị trí từ số 2 đến số 6; hoàn thành đóng cọc đại trà từ vị trí số 2 đến số 10.
Đồng thời với tiến độ thi công trên biển, các nhà thầu thi công trên bờ cũng tập trung nhân lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ. Công ty xây lắp điện Cần Thơ thi công lắp dựng cột, kéo dây đã thi công phần móng vị trí số 1 (tiếp bờ phần đất liền) và vị trí số 50 (tiếp bờ phần đảo) và đang giải quyết mặt bằng phần trạm biến áp 110kV.
Hệ thống lưới điện hạ thế trên đảo đang được hoàn thiện, sẵn sàng kết nối cấp điện cho người dân. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Phần xây dựng lưới điện phân phối trên đảo Lại Sơn do Công ty Xây lắp điện 1 thi công đã đào được 272/556 móng; dựng 65/758 trụ.
Một ngày lênh đênh trên biển, chúng tôi cảm nhận được công việc mà những người lính Lũng Lô đang thực hiện gói thầu số 3 Dự án Cấp điện lưới quốc gia cho xã đảo Lại Sơn là vì danh dự, thương hiệu, uy tín của TCT Xây dựng Lũng Lô – Bộ Quốc phòng.
Chiều, nhìn từ phía biển, những xã đảo Hòn Tre, Lại Sơn, Nam Du…ngâm nửa mình dưới làn nước xanh như chứng tỏ mình là những người mê tắm biển. Một quần thể đảo nhỏ như cả một hạm đội đang canh giữ sự bình yên cho ngư dân trên biển.
Chia tay biển cả Tây Nam, chia tay những người thợ xây lắp, những người lính Lũng Lô, chúng tôi mang theo một niềm tin mãnh liệt của các anh: Tổ quốc của tôi, của chúng ta nhất định sẽ cường thịnh, văn minh, hiện đại từ những dòng điện vượt biển hôm nay.
Dự án Cấp điện lưới quốc gia cho xã đảo Lại Sơn- Kiên Giang là dự án cấp điện lưới quốc gia cho xã đảo có chiều dài đường dây trên không vượt biển lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam, được thực hiện trong điều kiện phức tạp, độ sâu nước biển lớn hơn nhiều so với đường dây 22kV cấp điện cho Trung tâm hành chính huyện Kiên Hải (Hòn Tre) trước đây.
Đến nay, dự án đã triển khai được toàn bộ các gói thầu: Tuyến đường dây 110kV trên đất liền (từ trạm biến áp 110kV An Biên đến cảng cá Xẻo Nhàu – huyện An Minh), tuyến đường dây 110kV vượt biển Xẻo Nhàu – Lại Sơn và hệ thống lưới điện phân phối trên đảo Lại Sơn.
Đối với hạng mục xây dựng lưới điện phân phối trên đảo Lại Sơn, là gói thầu làm móng trên nền địa chất toàn đá cứng, phải đào móng hoàn toàn thủ công và đôi khi phải nhờ đến lực lượng công binh hỗ trợ các biện pháp kỹ thuật phá đá để đóng móng trụ.
|
Leave a reply