Tin Bất Động Sản
Chưa chốt phương án đập bỏ khách sạn của Tập đoàn Rạng Đông
Theo đề nghị của Tập đoàn Rạng Đông về việc xem xét phê duyệt quy hoạch tổng thể KĐT biển Rạng Đông thì khách sạn Osean Dun sẽ bị đập bỏ để phù hợp với thiết kế chung.
Tập đoàn Rạng Đông đề xuất đập bỏ khách sạn Osean Dun
Tuy nhiên, chiều ngày 13/5, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Thành Tâm cho biết tỉnh này hiện vẫn chưa có quyết định nào về việc cho phép ‘đập bỏ’ khách sạn Phú Thủy (nay đổi tên là Osean Dun 4 sao của Tập đoàn Rạng Đông tại phường Phú Thủy, TP.Than Thiết). Công trình này được tỉ phú Mỹ Larry Hillblom xây dựng từ năm 1993.
Ông Nguyễn Thành Tâm cũng cho biết, mới đây Tập đoàn Rạng Đông (chủ đầu tư khách sạn) có đề nghị tỉnh Bình Thuận xem xét phê duyệt quy hoạch tổng thể dự án khu đô thị biển Rạng Đông với đề xuất đập bỏ khách sạn Osean Dun cho phù hợp với thiết kế chung. Thay vào đó, chủ đầu tư sẽ triển khai 4 khu đô thị, nhà cao tầng, khách sạn, công viên được xây dựng tại khu vực này.
“Tuy nhiên, đề xuất này mới chỉ là dự kiến ban đầu của chủ đầu tư. Cái này còn phải có phản biện, sau đó trình lên Thường vụ Tỉnh ủy xin ý kiến mới xem xét có được phép hay không”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nói.
Tin Bất Động Sản
Bộ Kế hoạch & Đầu tư: Dự án tỷ đô dọc sông Hồng mới là ý tưởng
Đại diện cơ quan quản lý nhận định nếu được triển khai, dự án Giao thông đường thuỷ xuyên Á chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến môi trường, song tác động cụ thể phải chờ kết quả nghiên cứu chi tiết.
Thông tin nêu trên được ông Nguyễn Xuân Tự – Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) chia sẻ tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ ngày 5/5 khi trả lời quan điểm về 6 công trình thủy điện thuộc dự án Giao thông đường thuỷ xuyên Á đang được dư luận chú ý. Đây là dự án do Công ty TNHH Xuân Thiện – doanh nghiệp con của Tập đoàn ThaiGroup đề xuất xây dựng với quy mô vốn hơn một tỷ USD.
Ông Nguyễn Xuân Tự – Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) trả lời tại họp báo chiều 5/5. Ảnh: Hoàng Thành |
Theo đại diện Bộ Kế hoạch & Đầu tư, dự án nêu trên hiện còn ở giai đoạn sơ khai, Bộ đang xin ý kiến các bộ ngành và nhận được sự đồng thuận cao. “Dự án mới trong quá trình xây dựng. Sau khi phê duyệt mới có báo cáo tiền khả thi”, ông Tự thông tin.
Tuy nhiên, trước băn khoăn về tác động tiêu cực tới môi trường của siêu dự án này, đại diện cơ quan quản lý thừa nhận nếu được triển khai, công trình này chắc chắn có ảnh hưởng đến môi trường, song cụ thể ra sao thì cần có báo cáo tác động mới biết cụ thể. “Bước tiếp theo cũng cần phải có sự thẩm định của các bộ, ngành liên quan mới có thể khẳng định chắc chắn tác động của nó tới môi trường, sinh thái ra sao”, ông nói.
Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư cũng cho rằng, việc dư luận quan tâm tới dự án tỷ đô dọc sông Hồng là chính đáng. Tuy nhiên, một lần nữa ông Tự nhấn mạnh: “Đây mới chỉ là ý tưởng”.
Trước đó, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã có văn bản trình Thủ tướng phê duyệt Dự án Giao thông đường thuỷ xuyên Á và thuỷ điện trên sông Hồng. Chủ đầu tư là Công ty TNHH Xuân Thiện đề xuất việc tạo một tuyến giao thông từ Hà Nội lên phía bắc, xuôi xuống một số vùng biển, nạo vét 288 km đường sông và kết hợp làm thủy điện.
Dự án được đề xuất thực hiện theo dạng hợp đồng BOO (Xây dựng – Sở hữu – Kinh doanh). Tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới trên 1,1 tỷ USD (khoảng 24.500 tỷ đồng). Trong đó, chi phí xây dựng là 8.207 tỷ đồng, chi phí thiết bị 4.558 tỷ đồng, chi phí bồi thường tái định cư 1.230 tỷ và dự phòng khoảng 6.549 tỷ đồng… Cơ cấu vốn gồm 30% tự có của doanh nghiệp, còn lại 70% là vay thương mại có lãi suất 4-9%.
Dự án giao thông đường thuỷ xuyên Á nêu trên dự tính kết nối, nâng cấp hai tuyến vận tải thủy từ Hải Phòng – Việt Trì (Phú Thọ) với Hà Nội – Lạch Giang (Nam Định). Để đảm bảo mục tiêu giao thông quy mô lớn, chủ đầu tư đề xuất sẽ xây dựng 6 đập thuỷ điện và âu tàu để nâng mực nước cho tàu trọng tải lớn qua lại. Đây là các công trình thuỷ điện cấp II kiểu tuabin trục ngang cột nước thấp. Tổng công suất thiết kế khoảng 228 MW, cung cấp 912 triệu kWh một năm.
Tuy vậy, dự án nêu trên ngay từ khi được công bố đã gặp nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận, về cả tính khả thi, hiệu quả kinh tế, tác động môi trường, an ninh quốc phòng…
Theo Anh Minh/vnexpress.net
Tin Bất Động Sản
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy nhận định phân khúc nhà ở giá thấp và trung bình lại có số người sử dụng nhiều nhất, tiêu tốn nhiều năng lượng nhất.
Hội thảo Công trình xanh cho phân khúc nhà ở giá thấp và trung bình. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN
Công trình xanh cho phân khúc nhà ở giá thấp và trung bình là chủ đề chính của hội thảo do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Thủ đô (Capital House) phối hợp tổ chức tại Hà Nội sáng 27/4.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy nhận định, nhà ở giá thấp và trung bình chưa được quan tâm ứng dụng các thiết kế xanh, công nghệ thông minh và tiết kiệm năng lượng mà chủ yếu tập trung ở phân khúc nhà ở thương mại và cao cấp. Tuy nhiên, chính phân khúc nhà ở giá thấp và trung bình lại có số người sử dụng nhiều nhất, tiêu tốn nhiều năng lượng nhất.
Bởi vậy, giải pháp xanh tại nhóm công trình này sẽ góp phần tạo nên những cộng đồng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Đây cũng chính là định hướng phát triển của Bộ Xây dựng đối với phân khúc nhà ở này tại Việt Nam .
Trên thế giới, kiến trúc xanh ngày càng trở nên phổ biến và là xu thế tất yếu hướng đến phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng, tài nguyên.
Theo bà Vũ Thị Kim Thoa – Trưởng tư vấn Chương trình Năng lượng sạch USAID Việt Nam, công trình xanh có thể tiết kiệm 50% tiêu thụ năng lượng so với thiết kế ban đầu mà không làm tăng chi phí. Lợi ích rõ ràng nhất của công trình xanh là giảm chi phí vận hành (thường chiếm hơn 80% chi phí đầu tư). Qua đó, làm tăng giá trị tài sản, mức hoàn vốn đầu tư nhanh, hấp dẫn khách hàng…
Tại hội thảo, ông Đặng Thành Long – Hội đồng công trình xanh Việt Nam cho biết, các tiêu chí công trình xanh được biết nhiều nhất là bộ Lutus. Bộ chỉ số này được phát triển dựa trên các điều kiện riêng biệt của Việt Nam, nhất là về khí hậu, tự nhiên; điển hình là các công trình thích ứng với ngập lụt, phù hợp với trình độ phát triển của lĩnh vực xây dựng. Về lợi ích của công trình xanh, chủ đầu tư sẽ là người cảm nhận rõ nhất.
Chia sẻ kinh nghiệm, các chuyên gia đến từ Đan Mạch cho biết công trình xanh là quy định bắt buộc tại quốc gia này và được áp dụng từ những năm 1960 với tỷ lệ tiết kiệm được khoảng 50% lượng năng lượng tiêu thụ. Năm 2020, Đan Mạch phấn đấu giảm mức tiêu thụ năng lượng trong các công trình xây dựng xuống mức 0%.
Việt Nam là nước đứng thứ 7 toàn cầu về thiệt hại do biến đổi khí hậu. Vì vậy, thay đổi nhận thức của nhà quản lý, doanh nghiệp phát triển dự án và cộng đồng dân cư về phát triển công trình xanh, tiết kiệm năng lượng và sử dụng tái tạo là cần thiết.
Tại Việt Nam, một số chủ đầu tư đã tiên phong trong xu hướng phát triển kiến trúc xanh như: Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Thành phố Hồ Chí Minh), Khu đô thị Bắc Linh Đàm, Khu đô thị Vincom Villas Long Biên, dự án EcoLife Capital…
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng ở phân khúc nhà ở giá thấp và trung bình, kiến trúc xanh và tiết kiệm năng lượng chưa thực sự được quan tâm do mục tiêu giảm giá thành lấn át. Cùng đó, yếu tố nhận thức và trách nhiệm xã hội của các đơn vị phát triển dự án cũng là rào cản khi lựa chọn ứng dụng các giải pháp kiến trúc xanh, tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam.
Theo Thu Hằng/BNEWS/TTXVN
Tin Bất Động Sản
Đã giải ngân 75% gói tín dụng cho vay hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng
Đến thời điểm này, gói tín dụng ưu đãi lãi suất 30.000 tỷ đồng đã hoàn thành 100% cam kết cho vay với số giải ngân đạt 22.403 tỷ đồng, bằng 75% tổng nguồn vốn.
Đã giải ngân 75% gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ người thu nhập thấp mua nhà ở xã hội 30.000 tỷ đồng. Ảnh:TTXVN
Theo số liệu thống kê từ Cục quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), đến thời điểm này gói tín dụng ưu đãi lãi suất 30.000 tỷ đồng đã hoàn thành 100% cam kết cho vay với số giải ngân đạt 22.403 tỷ đồng, bằng 75% tổng nguồn vốn. Tốc độ giải ngân ở giai đoạn “nước rút” đã tăng nhanh đáng kể.
Đối với hộ gia đình, cá nhân, các ngân hàng đã ký hợp đồng cam kết cho vay 49.877 hộ với số tiền là 24.227 tỷ đồng. Trong số này có 16.252 hộ vay để mua nhà ở xã hội với số tiền là 6.780 tỷ đồng, 26.080 hộ vay để mua nhà ở thương mại với số tiền là 13.930 tỷ đồng, 7.545 hộ vay để cải tạo, xây mới nhà ở với số tiền là 3.518 tỷ. Hiện các ngân hàng đã giải ngân cho 49.874 hộ với số tiền là 18.157 tỷ đồng; trong đó có 16.252 hộ mua nhà ở xã hội với số tiền là 5.031 tỷ đồng, 26.077 hộ mua nhà ở thương mại với số tiền là 10.214 tỷ đồng, 7.545 hộ vay cải tạo, xây mới nhà ở với số tiền là 2.913 tỷ đồng….
Tại Hà Nội, số cam kết cho vay của các ngân hàng là 9.200 tỷ đồng với 18.176 hộ; tại TP Hồ Chí Minh số tiền cam kết cho vay là 6.749 tỷ đồng với 11.967 hộ. Phần lớn là các hộ vay tiền mua nhà ở xã hội, tiếp đến là mua nhà thương mại giá thấp (giá dưới 15 triệu đồng/m2 và diện tích nhỏ hơn 70m2/căn hộ). Số hộ vay cải tạo, xây dựng nhà ở tại cả 2 thành phố chỉ chiếm số ít trong tổng gói vay.
Đối với khách hàng là tổ chức, các ngân hàng cũng đã cam kết cho vay 60 dự án với số tiền là 7.774 tỷ đồng; trong số này, Hà Nội có 16 dự án với số tiền 3.723 tỷ đồng và Thành phố Hồ Chí Minh là 8 dự án với số tiền là 1.193 tỷ đồng. Hiện các ngân hàng đã giải ngân cho 59 dự án với dư nợ 4.246 tỷ đồng. Riêng Hà Nội đã giải ngân xong 15/16 dự án với dư nợ là 1.783 tỷ đồng; 8 dự án tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã hoàn thành giải ngân với dư nợ 877 tỷ đồng .
Cơ quan chức năng đánh giá, ngay sau khi có thông tin tạm dừng giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, tố c độ giải ngân gói tín dụng này ở giai đoạn “nước rút” đã tăng nhanh đáng kể./.
Theo Thu Hằng/BNEWS/TTXVN
Tin Bất Động Sản
Tin vui cho người mua nhà: Sắp cho vay gói 30.000 tỷ mới
Các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm cổ phần chi phối phải dành ít nhất 3% dư nợ cho vay để cho vay nhà ở giá rẻ với lãi suất thấp tối đa bằng 50% lãi suất trên thị trường….
4 ngân hàng thương mại Nhà nước phải dành tối thiểu 3% dư nợ cho vay để cho vay nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp với mức lãi suất vay thấp.
Thông tin này được ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tiết lộ tại Diễn đàn Giá trị thật bất động sản Việt Nam, diễn ra sáng 20/4 tại Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Trần Nam “Việc hỗ trợ cho người nghèo mua nhà ở giá thấp hay nhà ở xã hội đã được chính thức đưa vào luật Nhà ở và Nghị định 100 về phát triển nhà ở xã hội”.
Theo đó, các NHTM do Nhà nước nắm cổ phần chi phối phải dành ít nhất 3% dư nợ cho vay để cho vay nhà ở xã hội, với lãi suất thấp tối đa bằng 50% lãi suất trên thị trường. Với mức lãi suất vay thương mại dành cho mua nhà hiện nay thì có thể mức lãi suất sẽ chỉ loanh quanh mức 5%/năm – bằng với gói vay 30.000 tỷ đồng.
“Hiện, 5 NHTM có tổng dư nợ trên 1 triệu tỷ, nghĩa là luôn dành khoảng 30.000 tỷ để cho vay”- nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng tính toán.
Ông Nam cũng cho biết, NHNN đã triển khai, chỉ định 4 NHTM Nhà nước gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV phải thực hiện điều luật này. Đồng thời, cơ quan quản lý cũng đã ban hành Thông tư 25 hướng dẫn đối tượng cho vay, cách thức bù giá, cho vay…
Nguồn vay thứ 2 Luật Nhà ở cũng quy định, giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai cho vay với các hộ nghèo mua nhà ở xã hội với nguồn vốn vay 50% từ ngân sách và 50% từ nguồn huy động.
“Như vậy, thay cho gói 30.000 tỷ đồng, sẽ có 2 gói vay không giới hạn quy mô, thời gian vay với lãi suất thấp dành cho người mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp. Vì thế người có nhu cầu vay mua nhà hoàn toàn có thể yên tâm” – ông Nguyễn Trần Nam khẳng định.
Triển khai từ năm 2013, tới thời điểm ngày 20/3/2016 theo thống kê của NHNN, các ngân hàng đã cam kết cho vay 30.691,9 tỷ đồng. Số tiền lũy kế giải ngân tới ngày 20/3 là 21.886,9 tỷ đồng.
Gói 30.000 tỷ đồng có sự tham gia của 19 ngân hàng thương mại gồm: Ngân hàng Nông nghiệp (Agribank), Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngoại thương (Vietcombank), Công Thương (VietinBank), Đại chúng (PVcomBank), Xuất nhập khẩu (Eximbank), Sài Gòn Hà Nội (SHB), Tiên Phong (TPBank), Sài Gòn (SCB), Nam Á, Đông Nam Á (SeaBank), Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Phương Đông (OCB), Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), Việt Nam Thương Tín (VietBank), Quốc tế (VIB), Quốc dân (NCB), Bảo Việt (BaoVietBank) và Á Châu (ACB).
Theo Nguyễn Hoài/Infonet.vn
Tin Bất Động Sản
Bất động sản Hà Nội: Dự án đất nền qua thời cắt lỗ?
Thị trường đất nền Hà Nội đã xuất hiện những dấu hiệu phục hồi tích cực, như thanh khoản và giá bán tăng ở nhiều dự án. Thế nhưng, tín hiệu tích cực này chủ yếu xảy ra tại các dự án nội đô, hoặc dự án đã được đầu tư hạ tầng bài bản. Thực tế, trên thị trường thứ cấp, nhà đầu tư vẫn gặp khó khăn vì nhiều DN không chịu triển khai hoàn thiện dự án.
Khu biệt thự thuộc
Dự án Sunny Gardens (huyện Quốc Oai) bị bỏ hoang từ nhiều năm nay
Dự án nội đô tăng giá
Năm 2015-2016, thị trường đất nền Hà Nội xuất hiện hàng loạt dự án mở bán chính thức ra thị trường. Điều ngạc nhiên là tại nhiều dự án mở bán, mức giá khởi điểm bán ra thị trường rất cao, nhưng vẫn xuất hiện thanh khoản.
Cụ thể, đầu năm 2016, Dự án Five Star Mỹ Mình mở bán ra thị trường sản phẩm nhà phố thương mại với mức giá khoảng 100 triệu đồng/m2. Ngay sau đó, các căn hộ đã được nhà đầu tư mua hết, sau đó bán lại ra thị trường với mức giá tăng từ 10-15% so với giá gốc.
Ở khu vực Nam Từ Liêm, đầu năm 2016, hai dự án lớn là HD Mon City và Vinhomes Gardenia cũng mở bán sản phẩm đất nền ra thị trường. Điều ngạc nhiên là mức giá khởi điểm của các dự án này lên đến 140-150 triệu đồng/m2, nhưng sản phẩm vẫn thu hút khách hàng và nhà đầu tư.
Trước đó, thị trường đất nền Hà Nội cũng đón nhận hàng loạt dự án mở bán có thanh khoản cao, như khu nhà liền kề Dự án Pandora tại quận Thanh Xuân, khu nhà phố Dự án Gamuda Garden, Dự án đất nền Stalake Tây Hồ…
Khảo sát của PV tại nhiều sàn giao dịch trên địa bàn Hà Nội cho thấy, sự hồi phục của thị trường bất động sản 2 năm trở lại đây không chỉ khiến giá khởi điểm những dự án mới mở bán trong khu vực nội đô cao chót vót, mà đối với nhà liền kề dự án tại nhiều khu vực trung tâm như Văn Quán, Mộ Lao, khu đô thị Văn Phú (quận Hà Đông), hay khu Trung Hòa, Trung Yên (quận Cầu Giấy), Mỹ Đình, Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm)…, mức giá chào bán trên thị trường thứ cấp đã tăng từ 1-2% trong năm qua.
Ngoài trung tâm vẫn khó
Trong khi thị trường đất nền khu vực trung tâm có những diễn biến tích cực cả về giá bán lẫn thanh khoản, thì thị trường đất nền khu vực ngoài trung tâm phần lớn vẫn trong cảnh khó khăn.
Ở khu vực ngoài trung tâm, chỉ những dự án đô thị được chủ đầu tư triển khai hạ tầng tích cực trong năm qua, thanh khoản mới xuất hiện, thậm chí, giá bán tăng nhẹ trở lại.
Cụ thể, tại Dự án Thanh Hà – Cienco, do Cienco 5 Land làm chủ đầu tư, trong 1 năm qua, chủ đầu tư đã đầu tư hệ thống hạ tầng đồng bộ, đất nền dự án nay đã bắt đầu xuất hiện thanh khoản và mức giá tăng trở lại so với thời điểm trước năm 2015. Theo đó, mức giá đất nền Dự án Thanh Hà đã thay đổi từ 15-17 triệu đồng/m2 nâng lên 18-22 triệu đồng/m2.
Tại Dự án Nam An Khánh, trước năm 2015, chủ đầu tư bán ra với giá khoảng 18 triệu đồng/m2. Nhưng nhờ đầu tư mạnh cho hạ tầng, giá đất nền tại dự án này đang có xu hướng tăng trở lại, lên mức 22-23 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, thực tế, những dự án đất nền nằm ngoài trung tâm tăng giá bán như những dự án kể trên không nhiều. Chẳng hạn, tại Dự án khu đô thị mới Sunny Garden của CEO hay Dự án Ngôi Nhà Mới, thuộc huyện Quốc Oai, do không được chủ đầu tư đầu tư hoàn thiện hạ tầng, nên từ 2 năm nay, nhiều nhà đầu tư đã rao bán cắt lỗ với giá chỉ từ 9-10 triệu đồng/m2 nhưng vẫn chưa thành công.
Tại huyện Hoài Đức, hàng loạt dự án đất nền như: Lê Trọng Tấn, Thiên đường Bảo Sơn, hay khu đô thị Dương Nội, nhiều nhà đầu tư ở thị trường thứ cấp vẫn mong bán thoát hàng mấy năm nay chưa xong.
Hiện mức giá chào bán nhà liền kề tại khu đô thị mới Đô Nghĩa của Nam Cường chỉ trên dưới 30 triệu đồng/m2. Giá nhà liền kề Khu A, khu đô thị Lê Trọng Tấn chỉ từ 35-38 triệu đồng/m2. Trong khi nhà ven hồ Dự án Thiên Đường Bảo sơn cũng chỉ được rao bán từ 23-25 triệu đồng/m2. Ngay cả Dự án Xuân Phương Tasco (quận Nam Từ Liêm), nhiều nhà đầu tư cũng rao bán từ nhiều tháng nay với giá trên dưới 30 triệu đồng/m2…
Những mức giá rao bán trên đây đều không có nhiều biến động trong suốt 1 năm qua cho thấy, dù thị trường đất nền đã có những chuyển biến tích cực, song những nhà đầu tư mua phải đất nền thuộc dự án của chủ đầu tư không có năng lực triển khai hoàn thiện vẫn gặp khó khi muốn ở không được, bán cắt lỗ cũng chẳng xong.
Tin Bất Động Sản
CBRE: Bất động sản trung và cao cấp chiếm ưu thế trên thị trường
Phân khúc cao cấp và trung cấp lần lượt chiếm 48% và 36% thị phần, trong khi phân khúc nhà ở giá rẻ có lượng giao dịch giảm.
Bất động sản trung và cao cấp chiếm ưu thế trên thị trường. Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN
Phân khúc trung cấp và cao cấp hoàn toàn chiếm ưu thế trên thị trường là nhận định được Công ty TNHH CBRE Việt Nam đưa ra trong buổi họp báo về tổng quan thị trường bất động sản Hà Nội diễn ra ngày 5/4.
Bà Nguyễn Hoài An, Phó Giám đốc Công ty TNHH CBRE Việt Nam cho biết, quý đầu tiên của năm 2016, thị trường bất động sản Hà Nội có sự suy giảm so với cùng kỳ năm trước. Số lượng căn hộ mới được mở bán mới là 4.318 căn từ 16 dự án, giảm 18%.
Tuy nhiên, trong số này có tới 11 dự án thuộc phân khúc trung cấp, chiếm tới 49% tổng lượng mở bán. Mặc dù vậy, các giao dịch vẫn diễn ra sôi động. Đáng chú ý, phân khúc cao cấp và trung cấp hoàn toàn chiếm ưu thế trên thị trường, lần lượt chiếm 48% và 36% thị phần.
Phân khúc nhà ở giá rẻ có lượng giao dịch giảm, các chuyên gia nhận định một phần do ảnh hưởng từ thay đổi từ chính sách gói vay 30 nghìn tỷ đồng.
Một chính sách nữa cũng ảnh hưởng đến thị trường bất động sản là Ngân hàng Nhà nước dự thảo sửa đổi Thông tư 36 có liên quan đến việc cấp tín dụng cho thị trường, trong đó có nội dung về giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho các khoản vay trung và dài hạn, tăng hệ số rủi ro tài sản đối với các khoản vay bất động sản.
Phía CBRE cho rằng, dự thảo sửa đổi nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý quản lý rủi ro trong hệ thống ngân hàng và khuyến khích dòng chảy tín dụng vào các ngành kinh tế khác. Thị trường bất động sản được coi là đã và đang trên đà phục hồi với nguồn cung và giá tăng trưởng trở lại.
Do đó, việc sửa đổi này cũng nhằm dỡ bỏ một số hỗ trợ được đưa ra khi thị trường ở giai đoạn khó khăn. Quy định này cũng có thể giúp quản lý tốt hơn rủi ro thị trường cũng như đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, những thay đổi này nếu được thông qua cũng sẽ gây ra những khó khăn nhất định cho cả chủ đầu tư, nhà đầu tư và cả người mua bởi kênh huy động vốn chủ yếu hiện nay vẫn qua tín dụng ngân hàng.
Theo diễn biến thị trường tại Hà Nội, những quý tiếp theo của năm, khu vực phía Tây và Tây Nam (Hà Nội) vẫn là nơi dẫn đầu nguồn cung, chiếm tới 75% lượng hàng cả thị trường. Đáng chú ý, quận Ba Đình sẽ có thêm 3 dự án thuộc phân khúc hạng sang, cung cấp 488 căn hộ.
Các dự án có vị trí tốt, nhiều vượt trội trong tiện ích cũng như cơ sở vật chất đã tăng giá bán. Nhưng xét về tổng thể, chỉ có giá sơ cấp của các dự án phân khúc trung cấp tăng 2,9%. Đối với phân khúc cao cấp và bình dân, giá sơ cấp lần lượt giảm 0,3% và 7,8%. Giá thứ cấp cho thấy sự cải thiện trong phân khúc cao cấp, trung bình, bình dân và sự sụt giảm trong phân khúc hạng sang so với cùng kỳ năm trước là do một số dự án bị mất giá theo thời gian./.
Theo Thu Hằng/BNEWS/TTXVN
Tin Bất Động Sản
Người Trung Quốc đổ 30 tỷ USD vào bất động sản Mỹ
Không chỉ dồn vào đầu tư lĩnh vực khách sạn tại Mỹ, người Trung Quốc giờ còn là chủ sở hữu nhiều nhà ở tại đây trong năm 2015.
Theo thông tin của Hiệp hội môi giới bất động sản Mỹ (NAR), được nhật báo kinh tế Les Echos (Pháp) trích dẫn, khoảng 20% chủ sở hữu nhà ở mới là người Trung Quốc
Trên thị trường bất động sản ở San Francisco, Los Angeles, New York hay Miami, người Trung Quốc trở thành những người cạnh trạnh thật sự với người dân sở tại. Ảnh minh họa: Reuters
Trước đó, công dân Canada là những nhà đầu tư nặng ký nhất vào khu vực “Sunbelt” – vùng phía Nam nước Mỹ, để tránh mùa Đông khắc nghiệt tại quốc gia Bắc Mỹ này.
Thế nhưng, từ khi xảy ra khủng hoảng tài chính, người Canada “nhường chỗ” cho những công dân Trung Quốc giàu có. Khoảng 30 tỷ USD đã được người Trung Quốc đầu tư vào bất động sản Mỹ trong năm 2015.
Có nhiều lý do có thể giải thích được “đam mê” đầu tư bất động sản ở Mỹ của người Trung Quốc. Thứ nhất là do giá nhà liên tục giảm từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009.
Tiếp đến là bất động sản tại Mỹ nổi tiếng là chắc chắn, ổn định và sinh lợi. Với mong muốn có chất lượng cuộc sống tốt hơn, nên nhiều gia đình Trung Quốc hy vọng việc sở hữu một căn nhà tại Mỹ sẽ giúp họ có thị thực dễ dàng hơn, hay một thẻ xanh (lưu trú dài hạn) và con cái được nhận vào các trường đại học Mỹ danh tiếng.
Theo số liệu của NAR năm 2014, người Trung Quốc chi trung bình khoảng 830.000 USD để mua nhà ở tại Mỹ, trong khi đó, đối với một công dân Mỹ, con số này vào khoảng 255.000 USD. Ngoài ra, 2/3 số tài sản được mua bằng tiền mặt.
Hiện thị trường bất động sản Mỹ bớt “sôi sục” do tăng trưởng kinh tế Trung Quốc bị chững lại, thêm vào đó là đồng NDT bị mất giá cũng như Bắc Kinh kiểm soát nghiêm ngặt tình trạng “tẩu tán” vốn ra nước ngoài. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng tình hình hiện nay chỉ là “chặng nghỉ” tạm thời./.
Theo Đài RFI
Tin Bất Động Sản
Cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ tại Hà Nội: Tháo dần “nút thắt”
Hà Nội đã tập trung quy hoạch phân khu, xây dựng quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc nhà ở cao tầng để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình cải tạo, xây dựng chung cư cũ tại Hà Nội.
Cùng với sự phát triển của các khu đô thị mới, khu nhà ở trên địa bàn Hà Nội, nhu cầu cải thiện điều kiện ở của người sử dụng tăng nhanh nên hầu hết các hộ dân tại các khu tập thể, chung cư cũ đã tự cải tạo, cơi nới lấn chiếm diện tích làm ảnh hưởng thay đổi kết cấu của ngôi nhà, giảm tuổi thọ công trình và gây nguy hiểm đến tính mạng con người.
Các ô ‘chuồng cọp’ tại khu chung cư Trung Tự, Hà Nội. Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN
Nhận thức rõ sự nguy hiểm cũng như trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc đảm bảo điều kiện ở tốt hơn cho người dân, Hà Nội đã nỗ lực trong việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ nhưng vì nhiều nguyên nhân, kết quả thực hiện của Hà Nội vẫn còn rất chậm, gây không ít bức xúc cho người dân Thủ đô.
* Áp lực từ sự xuống cấp và nguồn lực đầu tư
Vấn đề đặt ra với Hà Nội trong suốt những năm qua là phải đối mặt với nhiệm vụ cải tạo, xây dựng lại các khu nhà ở chung cư cũ như thế nào trong điều kiện ngân sách của thành phố hạn hẹp. Nhà nước đã xoá bỏ bao cấp về nhà ở, nhưng phần lớn dân cư sống tại các khu chung cư cũ là cán bộ công nhân viên, người làm công ăn lương, khả năng chi trả thấp.
Từ thực tế, việc cải tạo lại chung cư cũ chỉ được thực hiện theo phương thức xã hội hóa, nguồn lực chủ yếu dựa vào việc cân đối tài chính của dự án. Nhà nước chỉ hỗ trợ về công tác quy hoạch, chuẩn bị đầu tư và một số hạng mục hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu.
Trong khi đó, hầu hết các khu chung cư cũ lại nằm ở khu vực nội thành, bị hạn chế phát triển dân cư theo Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Các ‘chuồng cọp’ được xây dựng tại khu tập thể, chung cư cũ càng xuống cấp và gây mất mỹ quan đô thị. Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN
Có thể thấy rõ, cùng với khó khăn của chủ đầu tư khi chưa nhận được sự đồng thuận của các cư dân sống trong các khu chung cư cũ khi áp dụng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì việc bị khống chế tầng cao là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tiến độ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ của Hà Nội triển khai rất “ì ạch”, thậm chí nhiều dự án gần như “dậm chân tại chỗ”.
Phần lớn các chủ đầu tư không còn “mặn mà” với việc đầu tư xây dựng loại hình nhà ở này khi không cân đối được bài toán hài hoà lợi ích giữa Nhà nước – người dân và doanh nghiệp.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 1.516 chung cư cũ có quy mô từ 2 đến 5 tầng, chủ yếu được xây dựng từ năm 1960 đến cuối những năm 1990, ngoài ra còn một số nhà được xây dựng từ trước năm 1954. Các chung cư tập trung chủ yếu ở 4 quận nội thành cũ và quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân. Hầu hết các nhà chung cư đều đã bán nhà cho người đang thuê theo Nghị định số 61/CP ngày 5/7/1994 của Chính phủ.
Qua kết quả điều tra, khảo sát của cơ quan chức năng, do áp lực về diện tích ở, nhu cầu cuộc sống cũng như việc chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, sự yếu kém về quản lý nên hầu hết các khu chung cư đều có việc cơi nới, xây dựng lấn chiếm đất trống, sân chung, “đeo ba lô, chuồng cọp”.
Do vậy, mật độ xây dựng hầu hết tăng gấp đôi so với thiết kế ban đầu, dân cư tăng khoảng 1,5 lần. Trong khi đó, hệ thống kỹ thuật nói chung ở các chung cư đều cũ nát, đặc biệt hệ thống cấp nước do dân tự cải tạo thành mạng lưới đường ống chằng chịt trên mặt nhà, rất mất mĩ quan. Các căn hộ tầng 1 đều ẩm thấp, môi trường sống rất kém, thậm chí có một số chung cư có nền tầng 1 thấp hơn sân, đường nội bộ.
Có thể thấy, sự hư hỏng, xuống cấp biểu hiện rõ ở tình trạng lún nghiêng, han rỉ cốt thép, nứt vỡ bê tông ở mức độ lớn, điển hình như các khu: Nhà E6 – E7 Quỳnh Mai; nhà A – B Ngọc Khánh; nhà B7 – C1- E6 – E9 – G6A – G6B – G22 Thành Công; các nhà A – B Ngọc Khánh – đường Nguyễn Chí Thanh; A7 Giáp Lục – Tân Mai, B1 Giảng Võ; A1- A2 Giảng Võ; Tập thể Bộ Tư Pháp…
Khu G6B, tập thể Thành Công, quận Ba Đình. Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN
Đáng lo ngại là hầu hết các chung cư cũ đều không có hệ thống phòng cháy chữa cháy, trong khi đó, việc duy tu bảo dưỡng chưa được quan tâm đúng mức, đã dẫn đến hư hỏng, xuống cấp nhanh gây nguy hiểm và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân.
Hiện, Hà Nội mới hoàn thành xây dựng lại 9 chung cư (B4, B14 Kim Liên, 187 Tây Sơn, I1, I2, I3 Thái Hà, P3 Phương Liệt, A6, C7 Giảng Võ); đang khởi công xây dựng 3 chung cư (B6, D2 Giảng Võ, C1 Thành Công) và một khối nhà N3 thuộc dự án thí điểm cải tạo tổng thể khu tập thể Nguyễn Công Trứ, đang tổ chức di dời 2 chung cư (148-150 Sơn Tây, C8 Giảng Võ).
Thành phố bố trí kinh phí kiểm định 162 chung cư cũ để xác định mức độ nguy hiểm; giao cho 62 nhà đầu tư thực hiện việc điều tra xã hội học; trong đó 21 nhà đầu tư lập quy hoạch chi tiết tại các khu chung cư cũ.
*Tháo dần các “nút thắt”
Hà Nội đã tập trung lập quy hoạch phân khu và xây dựng quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc nhà ở cao tầng trong khu vực nội đô.
Đặc biệt, Hà Nội cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép nâng thêm chiều cao tầng khu vực cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên cơ sở cân đối chỉ tiêu quy hoạch của khu vực phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đảm bảo tính khả thi của dự án.
Theo Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử Hà Nội vừa được Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký, ban hành sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tham gia lập và thực hiện dự án cải tạo chung cư cũ trên cơ sở đảm bảo đúng định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội.
Quy chế này được áp dụng trên khu vực có quy mô diện tích khoảng 3.881 ha, thuộc địa giới hành chính của 5 quận: Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, một phần phía Bắc quận Hai Bà Trưng và một phần phía Nam của quận Tây Hồ. Theo đó, Hà Nội cho phép nghiên cứu xây dựng công trình cao tầng tại hai bên đường vành đai, trục hướng tâm, tuyến phố chính, khu vực điểm nhấn. Khu vực Vành đai I, chiều cao tối đa công trình là 24 tầng, 86m; vành đai 2, chiều cao tối đa 27 tầng, 97m; đường ven đê Sông Hồng, chiều cao 21 tầng, 76m…
Đối với dự án tái thiết đô thị là tập thể cũ có quy mô 2 ha trở lên, phải bảo đảm các điều kiện tạo nhiều không gian mở, hạn chế tăng dân số, bố trí đất cho công trình giáo dục, tăng cây xanh, diện tích công cộng.
Tầng cao tối đa một số khu tập thể cũ ở Hà Nội như sau: Khu Văn Chương (18 tầng); Nguyễn Công Trứ 25 tầng; Giảng Võ, Hào Nam, Ngọc Khánh 21 tầng; các khu Thành Công, Khương Thượng, Vĩnh Hồ, Nam Đồng, Kim Liên, Láng Hạ, Phương Mai, Thanh Nhàn… 24 tầng.
Cũng theo quy chế của thành phố, các quy định về hình thức, chi tiết kiến trúc của công trình cao tầng phải hiện đại, hài hòa với cảnh quan, kiến trúc khu vực, phù hợp với môi trường khí hậu. Ngoài ra, chỉ tiêu sử dụng đất phải tuân thủ các quy định về khoảng lùi, mật độ xây dựng, dân số… theo quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành liên quan.
Theo đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội, trước mắt, Hà Nội tập trung chỉ đạo quyết liệt để sớm hoàn thành các chung cư cũ đang xây dựng (C7 Giảng Võ, chung cư N3 Khu tập thể Nguyễn Công Trứ; tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án C1 Thành công, C8 Giảng Võ; nghiên cứu chỉnh sửa cơ chế chính sách về cải tạo xây dựng chung cư cũ quy định tại Quyết định số 48/2008/QĐ-UBND thuộc thẩm quyền của thành phố cho phù hợp với thực tế, đáp ứng ngay cho việc cải tạo xây dựng lại các chung cư cũ ở cấp độ nguy hiểm.
Đáng chú ý, triển khai Luật Thủ đô năm 2012, Hà Nội đang triển khai Nghị quyết số 17/2013/NQ-HĐND của HĐND thành phố Hà Nội ban hành một số biện pháp cải tạo xây dựng lại các khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp, trong đó khuyến khích nhà đầu tư thỏa thuận hợp tác với chủ sở hữu căn hộ thực hiện dự án bằng phương thức hợp tác kinh doanh trên cơ sở các chủ sở hữu góp vốn bằng quyền sở hữu căn hộ, quyền sử dụng đất.
Đối với các dự án cải tạo xây dựng lại chung cư cũ trong địa bàn 4 quận nội thành cũ (là khu vực hạn chế phát triển) nếu không có nhu cầu tái định cư tại chỗ thì được ưu tiên mua nhà ở xã hội, nếu chuyển ra ngoài khu vực 4 quận nội thành thì được hệ số 1,5 lần so với tái định cư tại chỗ. Đây là những biện pháp để thúc đẩy công tác cải tạo lại các chung cư cũ…
Phản hồi gần đây