Tin Ngành Điện
Cung cấp điện cho Hà Nội: Đảm bảo an toàn, ổn định với chất lượng và dịch vụ được nâng cao
Trong giai đoạn 2011-2015, EVN đã đảm bảo cung ứng điện cho thành phố Hà Nội an toàn, ổn định với chất lượng và dịch vụ hàng năm được nâng cao, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của các thành phần kinh tế.
Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Đồng thời, cùng các đơn vị liên quan thực hiện các phương án đảm bảo điện cho các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội và đời sống của nhân dân trên địa bàn Thủ đô, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên Đán, dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, Đại hội Đảng lần thứ XI, công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, kỳ thi tuyển sinh và tốt nghiệp PTTH và các kỳ họp Quốc hội khoá XIII. Đặc biệt là việc triển khai các phương án đảm bảo điện phục vụ lễ diễu binh kỷ niệm 70 năm Quốc khánh, kỳ họp Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132, Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố Hà Nội, Lễ hội Đại đoàn kết các dân tộc, Đại hội Thi đua yêu nước thành phố Hà Nội giai đoạn 2010- 2015 và các sự kiện chính trị, ngoại giao khác diễn ra trên địa bàn Thủ đô…với tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân giao đoạn 2011-2015 là 9,7%/năm, đảm bảo tăng trưởng GDP của Thành phố Hà Nội đạt 9,23% cùng giai đoạn.
Đưa dịch vụ đến gần khách hàng
Từ năm 2013, EVN xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh với Chủ đề là “Năm kinh doanh và dịch vụ khách hàng”, theo đó, đã ban hành các Chỉ thị về công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng, các đơn vị xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để triển khai thực hiện. Kết quả, công tác kinh doanh điện năng và dịch vụ khách hàng trên địa bàn Hà Nội chuyển biến mạnh mẽ với nhiều nỗ lực đổi mới trong quản lý, tác phong làm việc để nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. Theo đó, hầu hết các chỉ tiêu chất lượng dịch vụ khách hàng trên địa bàn Hà Nội đều đạt với với tỷ lệ từ 90% trở lên, đặc biệt, năm 2015, tất cả các chỉ tiêu chất lượng dịch vụ khách hàng của EVN HANOI hoàn thành quy định với với tỷ lệ từ 95% trở lên.
Từ chỗ chỉ có 30 phòng giao dịch, đến nay trên địa bàn Hà Nội đã xây dựng được hệ thống 224 điểm giao dịch tại tất cả các phường, xã trên địa bàn toàn Thành phố để đưa dịch vụ đến gần với khách hàng, kịp thời xử lý sự cố trong quá trình cung cấp điện và dịch vụ cho khách hàng. Năm 2015, Trung tâm chăm sóc khách hàng Hà Nội vào hoạt động, cung cấp nhiều loại hình dịch vụ mới cho khách hàng, đã thống nhất đầu mối liên lạc của khách hàng với Tổng công ty qua Tổng đài chăm sóc khách hàng 19001288. Đồng thời duy trì đầu số 04.22222000 tích hợp vào hệ thống tổng đài 19001288 để đảm bảo thống nhất quy trình xử lý các yêu cầu của khách hàng trong toàn thành phố, bảo đảm mọi khách hàng đều được phục vụ tốt như nhau; các kênh giao tiếp với khách hàng đồng thời được mở rộng, chất lượng dịch vụ được nâng cao như: Cung cấp thông tin về các dịch vụ trên website của EVNHANOI, khách hàng có thể truy cập thông tin và thực hiện các giao dịch; nhắn tin SMS thông báo tiền điện, thông báo mất điện, thông báo nợ tiền điện; triển khai gửi thông tin đến khách hàng qua email, triển khai hình thức hóa đơn điện tử và đa dạng hóa hình thức thu tiền điện…
Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Thời gian giải quyết cấp điện qua lưới trung áp cho khách hàng được rút ngắn theo hướng đơn giản hóa và công khai minh bạch các thủ tục cấp điện, phân cấp cho các Công ty Điện lực chủ động hoàn toàn trong việc cấp điện cho khách hàng trung áp; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện cấp điện cho khách hàng trung áp để hỗ trợ công tác tác nghiệp, giám sát và cung cấp thông tin để khách hàng tra cứu tình hình giải quyết hồ sơ cấp điện trên Internet, đồng thời để theo dõi tiến độ thời gian trách nhiệm thực hiện của từng bộ phận được phân công. Do đó, trong thời gian qua chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam đã có bước đột phá. Theo đánh giá của tổ chức Doing Business (thuộc Ngân hàng Thế giới), năm 2015 chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam tăng 22 bậc (từ vị trí 130 năm 2014 lên vị trí 108/189 quốc gia) và là chỉ số có mức độ cải thiện tốt nhất trong các chỉ số đánh giá về môi trường kinh doanh của Việt Nam. Số ngày làm thủ tục cấp điện trung áp của Việt Nam giảm từ 115 ngày xuống còn 59 ngày, trong đó số ngày thực hiện của EVN giảm từ 38 xuống 14 ngày. Tháng 9-2015, EVN đã quy định thời gian giải quyết các công việc liên quan đến Điện lực rút xuống còn không quá 10 ngày.
Đối với Hà Nội, EVN đã triển khai kế hoạch nhằm cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng, theo đó, xây dựng lưu đồ cấp điện; niêm yết công khai lưu đồ và các thủ tục cấp điện tại các Phòng giao dịch khách hàng, trên website của EVNHANOI và trên Cổng thông tin điện tử của UBND TP Hà Nội, Sở Công Thương. Trong năm 2015, thời gian giải quyết cấp điện trung bình cho khách hàng qua trạm trung áp là 7,87 ngày (ít hơn 2,1 ngày so với quy định của Tập đoàn). Điểm bình quân mức độ hài lòng khách hàng sử dụng điện trên địa bàn thành phố Hà nội hàng năm đều tăng, trong đó năm 2013 là 6,18/10 điểm; năm 2014 là 6,7 điểm và năm 2015 là 7,11 điểm.
Trước các kỳ họp Quốc hội, EVN và các Tổng công ty đều nghiêm túc thực hiện báo cáo Đoàn đại biểu Quốc hội tình hình thực hiện sản xuất kinh doanh – dịch vụ khách hàng và cung ứng điện trên địa bàn, báo cáo đầy đủ các mặt đã làm được, các mặt còn hạn chế, nguyên nhân và các giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Tại Hà Nội, các kỳ họp Hội đồng nhân dân Thành phố, đều trực tiếp trả lời các thắc mắc, kiến nghị của đại biểu và cử tri theo yêu cầu của Thành phố.
Góp phần quan trọng xây dựng nông thôn mới
Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Từ năm 2008 đến nay, EVN đã tiếp nhận lưới điện hạ áp trên địa bàn 262 xã (trong đó 245 xã tiến nhận toàn bộ và 17 xã tiếp nhận 1 phần), bán điện trực tiếp đến trên 600.000 hộ dân. Ngay sau khi tiếp nhận, để đảm bảo yêu cầu vận hành và kinh doanh bán điện, thực hiện cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện, đặc biệt là xóa ngay những điểm lõm, những khu vực chưa có điện thuộc địa bàn các tỉnh Hà Tây (cũ). Tổng giá trị đầu tư cải tạo trên 1.500 tỷ đồng. Vì vậy, đến nay 100% số hộ dân trên địa bàn TP Hà Nội đều được cung cấp điện từ hệ thống lưới điện quốc gia với độ tin cậy cung cấp điện ngày một tốt hơn. EVN đã hoàn thành dự án IVO cấp điện nông thôn tại 13 huyện, thị xã: Ba Vì, Ứng Hoà, Sơn Tây, Đan Phượng, Thường Tín, Thanh Oai, Phúc Thọ, Chương Mỹ, Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất, Mỹ Đức, Phú Xuyên; Đầu tư cải tạo lưới điện tại 13 xã miền núi….
EVN đã phối hợp tốt với các các Sở ngành của Hà Nội hoàn thành toàn bộ 219 xã trên địa bàn tham gia chương trình nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 đạt tiêu chí số 4 về điện, góp phần đưa Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về kết quả xây dựng Nông thôn mới.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam Dương Quang Thành yêu cầu, trong giai đoạn 2015-2020, EVNHANOI tiếp tục nâng cấp Trung tâm chăm sóc khách hàng theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại hóa; duy trì tốt các kênh thông tin phục vụ khách hàng: thông báo tiền điện, thư điện tử, Website chăm sóc khách hàng… Cải cách thủ tục hành chính và chủ động cung cấp thông tin trong giao dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng theo phương châm 3 dễ: Dễ tiếp cận – Dễ tham gia – Dễ giám sát các dịch vụ của ngành điện. Hoàn thiện các quy trình quy định theo hướng đơn giản, rút gọn, đặc biệt là quy trình cấp điện mới hướng tới là cấp điện theo yêu cầu; hoàn thành lắp đặt 100% công tơ điện tử và thực hiện công nghệ thu thập số liệu đo đếm từ xa theo lộ trình. Nghiên cứu ứng dụng chữ ký số, triển khai phần mềm khảo sát cấp điện bằng máy tính bảng trong công tác cấp điện nhằm giảm thời gian đi lại của khách hàng, tăng cường giám sát trong các khâu dịch vụ, đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng chuyên nghiệp, thái độ thân thiện, văn minh… nhằm nâng cao mức độ hài lòng của khách hàng; tiếp tục làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn, các doanh nghiệp có nhu cầu lắp trạm biến áp, nhà thầu tư vấn, thiết kế, thi công để phổ biến các quy định mới liên quan đến việc tiếp cận điện năng để đảm bảo mục tiêu công khai, minh bạch.
Đối với các huyện ngoại thành có tiềm năng phát triển kinh tế làng nghề, du lịch như Chương Mỹ, Thanh Oai, Quốc Oai, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 hiện đại hoá toàn bộ hệ thống lưới điện, theo đó, trên địa bàn huyện Chương Mỹ, trong 5 năm tới sẽ đầu tư 1.101,5 tỷ đồng để hiện đại hoá hệ thống lưới điện toàn huyện, đảm bảo cung cấp điện an toàn cho các khu, cụm công nghiệp; đảm bảo nguồn cung cấp điện cho nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế trang trại và đời sống nhân dân; hiện đại hoá toàn bộ hệ thống dịch vụ cung cấp điện, thay thế 100% công tơ cơ bằng công tơ điện tử (khoảng 75.000 công tơ) để đảm bảo minh bạch, chính xác và tiện lợi cho người dân giám sát việc cung cấp điện. Khách hàng có thể theo dõi số điện hàng tháng, đăng ký cấp điện mới qua mạng Internet, điện thoại di động và theo dõi được từng bước giải quyết thủ tục cấp điện cho gia đình mình qua mạng.
Với vai trò và trách nhiệm của Tập đoàn kinh tế nhà nước đối với xã hội, Tập đoàn sẽ sửa chữa định kỳ, lắp đặt mới miễn phí hệ thống điện tại nhà cho các hộ gia đình chính sách, hộ gia đình nghèo trên địa bàn thành phố. Riêng trên địa bàn huyện Chương Mỹ sẽ triển khai cho trên 3.000 hộ nghèo và hộ gia đình chính sách, góp phần cùng với huyện đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 2% đến năm 2020.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam đặt mục tiêu lấy Quốc Oai là trọng điểm trên địa bàn TP HN để thực hiện chương trình điện khí hoá nông thôn. Trong 5 năm tới sẽ đầu tư 1.576,05 tỷ đồng cho lưới điện, phấn đấu đến năm 2017 hoàn thành tiêu chí số 4 về nông thôn mới cho 100% số xã của huyện, góp phần cùng toàn huyện đạt huyện nông thôn mới; đảm bảo nguồn cung cấp điện cho nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế trang trại và người dân; thay thế 100% công tơ cơ bằng công tơ điện tử (khoảng 45.000 công tơ); lắp đặt mới miễn phí hệ thống điện tại nhà cho các hộ gia đình chính sách, hộ gia đình nghèo trên địa bàn thành phố. Riêng trên địa bàn huyện Quốc Oai sẽ triển khai cho trên 2.000 hộ nghèo và hộ gia đình chính sách.
Đầu tư 863 tỷ đồng cho lưới điện Thanh Oai để hiện đại hoá hệ thống lưới điện toàn huyện, bổ sung nguồn cung cấp điện nâng cao độ an toàn và tăng chất lượng cung cấp cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế trang trại và đời sống nhân dân; thay thế 100% công tơ cơ bằng công tơ điện tử (khoảng 62.000 công tơ); sửa chữa định kỳ, lắp đặt mới miễn phí hệ thống điện tại nhà cho các hộ gia đình chính sách, hộ gia đình nghèo trên địa bàn thành phố. Riêng trên địa bàn huyện Thanh Oai sẽ triển khai cho trên 3.000 hộ nghèo và hộ gia đình chính sách, góp phần cùng với huyện đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 2% đến năm 2020.
Theo Thanh Mai/Icon.com.vn
Leave a reply