Tin Kinh Tế
Hàng hóa TG sáng 4/5: Giá đồng loạt giảm
Phiên giao dịch 3/5 trên thị trường thế giới (kết thúc vào rạng sáng 4/5 giờ VN), giá một số hàng hóa chủ chốt đồng loạt giảm.
Những thông tin tác động đến thị trường hàng hóa:
Chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc trong tháng 4/2016 do Caxin Media và Markit Economics công bố tiếp tục giảm, ghi nhận 14 tháng giảm liên tiếp.
Chỉ số Đôla Wall Street Journal, theo dõi USD với 16 đồng tiền trong giỏ tiền tệ, tăng 0,8% lên 85,29 điểm, khi USD tăng giá so với euro, đôla Australia và các đồng tiền thị trường mới nổi.
Các nhà phân tích và thương gia cho rằng chính sách tiền tệ của nhiều ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục được nới lỏng trong thời gian tới và lãi suất của Mỹ vẫn duy trì ở mức thấp.
Thị trường đang theo dõi sát sao báo cáo việc làm phi nông nghiệp, công bố vào thứ Sáu tuần này. Các nhà phân tích dự đoán, tháng 4/2016 Mỹ tạo thêm được 200.000 việc làm mới, giảm nhẹ so với tháng 3.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tiếp tục giảm do đồn đoán lượng dầu lưu kho của Mỹ trong tuần qua lập kỷ lục mới, lo ngại nhu cầu của Trung Quốc giảm và nguồn cung dầu toàn cầu tăng.
Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) trên sàn New York kỳ hạn giao tháng 6/2015 giảm 1,13 USD, tương ứng 2,5%, xuống 43,65 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 7/2016 trên sàn London giảm 86 cent, tương đương 1,9%, xuống 44,97 USD/thùng.
Giá dầu đã giảm hơn 5% kể từ đạt mức đỉnh của năm 2016 hồi tuần trước khi giới đầu tư nghi ngờ liệu đà tăng vừa qua có đi quá xa và quá nhanh.
Giá dầu lên cao nhất 5 tháng trong những tuần gần đây do sự gián đoạn nguồn cung tại một số khu vực và đồn đoán sản lượng dầu thô của Mỹ giảm. Tuy nhiên, số liệu về sản lượng và lượng dầu lưu kho cho thấy, sản lượng dầu thô của các nước sản xuất vẫn ở mức cao, xua tan hy vọng của giới đầu tư rằng tình trạng thừa cung toàn cầu bắt đầu giảm. Các nhà phân tích cũng cảnh báo rằng nếu giá dầu tiếp tục tăng, các nhà sản xuất tại Mỹ có thể sẽ tăng cường các hoạt động thăm dò và khai thác, làm trầm trọng thêm tình trạng thừa cung.
Lượng dầu lưu kho toàn cầu tiếp tục đứng ở mức cao với lượng dầu lưu kho của Mỹ đang ở mức cao nhất 80 năm qua. Thứ Tư 4/5, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) sẽ công bố số liệu về lượng dầu lưu kho của Mỹ trong tuần kết thúc vào 29/4.
Các nhà phân tích trong khảo sát Wall Street Journal dự đoán lượng dầu lưu kho của Mỹ tuần qua tăng 1,2 triệu thùng, lập kỷ lục mới, trong khi nguồn cung xăng giảm và dự trữ sản phẩm chưng cất không đổi.
Dù sản lượng dầu đang ở mức cao nhưng Mỹ vẫn tiếp tục nhập khẩu rất nhiều dầu từ nước ngoài. Số liệu thống kê mới nhất cho thấy lượng dầu nhập khẩu của Mỹ đang cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, và Mỹ được coi như điểm đến cuối cùng cho sản phẩm dầu từ nhiều nước trên thế giới.
Cụ thể, lượng dầu nhập khẩu vào Mỹ đã tăng đến 20% lên 8 triệu thùng/ngày liên tục từ đầu tháng 5/2015. Rất nhiều dầu thô từ Congo, Nga và Brazil được bán đến Mỹ, ngay cả nước láng giềng Canada cũng đang bán lượng dầu cao kỷ lục vào thị trường Mỹ.
Sản lượng dầu của Mỹ dù có giảm trong những tuần gần đây nhưng vẫn ở sát mức cao nhất trong 3 thập kỷ là gần 9 triệu thùng/ngày. Mỹ cũng đang nhập không ít dầu có nguồn gốc từ Iran, dù Iran không được phép trực tiếp xuất dầu vào Mỹ.
Viện Dầu mỏ Mỹ (API) hôm thứ Ba cho biết, theo số liệu của Viện, lượng dầu lưu kho của Mỹ trong tuần kết thúc vào 29/4 tăng 1,3 triệu thùng, nguồn cung xăng giảm 1,2 triệu thùng và dự trữ sản phẩm chưng cất giảm 2,6 triệu thùng.
Ngoài ra, thị trường cũng tỏ ra lo ngại về tình trạng thừa cung khi các nhà phân tích dự đoán sản lượng dầu thô của OPEC trong tháng 4 tăng lên và Nga công bố sản lượng dầu thô của nước này trong tháng 4/2016 đạt 10,84 triệu thùng/ngày, sát mức kỷ lục 30 năm ở 10,91 triệu thùng ghi nhận hồi tháng 3.
Từ đầu năm 2016 đến nay, Iran đã tăng gấp đôi lượng dầu xuất ra thị trường lên 2 triệu thùng dầu/ngày. Nước này tuyên bố sẽ chỉ giảm xuất khẩu cho đến khi sản lượng xuất mỗi ngày đạt 4 triệu thùng.
Trong tuần này, nước hàng xóm của Iran là Iraq công bố đã xuất ra thị trường thế giới 3,4 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 4/2016, trong khi mức xuất khẩu của tháng 3/2016 là 3,3 triệu thùng/ngày.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng quay đầu giảm do USD hồi phục.
Giá vàng giao ngay tại thị trường Mỹ giảm 0,4%, xuống 1.285,69 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao tháng 6/2016 cũng hạ 0,3% trong phiên 3/5, xuống còn 1.295,80 USD/ounce.
Áp lực từ việc đồng USD mạnh lên đã đẩy giá vàng đi xuống. Đây là phiên đầu tiên trong vòng bảy phiên vừa qua, đồng bạc xanh đi lên so với rổ các đồng tiền chủ chốt, sau khi chạm mức thấp nhất hơn 15 tháng.
Kể từ đầu năm tới nay, giá vàng đã tăng 21% nhờ những dự báo về khả năng Fed sẽ không vội vàng trong kế hoạch nâng lãi suất. Kim loại quý này rất nhạy cảm với các thông tin liên quan tới lộ trình nâng lãi suất của Fed.
Với các kim loại quý khác, giá bạch kim và paladi lần lượt giảm 1,2% và 3,2%.
Đà suy yếu của USD và đà tăng của giá vàng thời gian qua đã khiến lượng vàng mua vào Quỹ tín thác lớn nhất thế giới SPDR tăng mạnh.
Lượng vàng nắm giữ của SPDR hôm thứ Hai 2/5 tăng 20,8 tấn lên 824,94 tấn, cao nhất kể từ tháng 12/2013.
Trên thị trường nông sản, giá cà phê đồng loạt giảm. Tại London, robusta giảm khoảng 2-9 USD/tấn, tron khi tại New York giảm 0,25-0,5 cent/lb.
Theo số liệu sơ bộ, xuất khẩu cà phê của Brazil trong tháng 4/2016 đạt 2.232,243 bao, giảm 582.704 bao, hay 20,7%, so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu do lượng cà phê Arabica lưu kho giảm, sản lượng cà phê Robusta vụ mới thấp hơn và đồng nội tệ real tăng giá so với USD.
Nhà phân tích Safras e Mercado đã tái khẳng định quan điểm tích cực về sản lượng cà phê Brazil vụ mới, dự báo đạt khoảng 56,4 triệu bao, trong đó Arabica đạt 42,8 triệu bao và Robusta 13,6 triệu bao.
Giá hàng hóa thế giới
Hàng hóa | ĐVT | Giá | +/- | +/- (%) |
Dầu thô WTI | USD/thùng | 43,65 | -1,13 | -2,5% |
Dầu Brent | USD/thùng | 44,95 | -0,86 | -1,99% |
Dầu thô TOCOM | JPY/kl | 29.070,00 | -520,00 | -1,76% |
Khí thiên nhiên | USD/mBtu | 2,09 | +0,00 | +0,14% |
Xăng RBOB FUT | US cent/gallon | 151,84 | +0,84 | +0,56% |
Dầu đốt | US cent/gallon | 134,23 | +0,89 | +0,67% |
Dầu khí | USD/tấn | 400,00 | +4,50 | +1,14% |
Dầu lửa TOCOM | JPY/kl | 40.660,00 | -370,00 | -0,90% |
Vàng New York | USD/ounce | 1.288,60 | -3,20 | -0,25% |
Vàng TOCOM | JPY/g | 4.395,00 | -11,00 | -0,25% |
Bạc New York | USD/ounce | 17,49 | -0,01 | -0,08% |
Bạc TOCOM | JPY/g | 59,90 | -0,70 | -1,16% |
Bạch kim giao ngay | USD/t oz. | 1.063,09 | -2,76 | -0,26% |
Palladium giao ngay | USD/t oz. | 606,10 | -0,75 | -0,12% |
Đồng New York | US cent/lb | 221,80 | -0,10 | -0,05% |
Đồng LME 3 tháng | USD/tấn | 4.920,00 | -130,00 | -2,57% |
Nhôm LME 3 tháng | USD/tấn | 1.633,00 | -46,00 | -2,74% |
Kẽm LME 3 tháng | USD/tấn | 1.898,00 | -40,50 | -2,09% |
Thiếc LME 3 tháng | USD/tấn | 17.270,00 | +50,00 | +0,29% |
Ngô | US cent/bushel | 378,25 | -1,50 | -0,39% |
Lúa mì CBOT | US cent/bushel | 471,75 | +1,00 | +0,21% |
Lúa mạch | US cent/bushel | 199,75 | +0,75 | +0,38% |
Gạo thô | USD/cwt | 11,41 | -0,03 | -0,31% |
Đậu tương | US cent/bushel | 1.026,75 | -3,25 | -0,32% |
Khô đậu tương | USD/tấn | 340,40 | -1,40 | -0,41% |
Dầu đậu tương | US cent/lb | 32,32 | -0,09 | -0,28% |
Hạt cải WCE | CAD/tấn | 501,20 | -2,40 | -0,48% |
Cacao Mỹ | USD/tấn | 3.205,00 | -12,00 | -0,37% |
Cà phê Mỹ | US cent/lb | 119,25 | -0,40 | -0,33% |
Đường thô | US cent/lb | 16,25 | +0,04 | +0,25% |
Nước cam cô đặc đông lạnh | US cent/lb | 134,50 | -2,15 | -1,57% |
Bông | US cent/lb | 62,82 | -0,24 | -0,38% |
Lông cừu (SFE) | US cent/kg | — | — | — |
Gỗ xẻ | USD/1000 board feet | 297,50 | -5,40 | -1,78% |
Cao su TOCOM | JPY/kg | 187,70 | +0,20 | +0,11% |
Ethanol CME | USD/gallon | 1,51 | -0,02 | -1,63% |
Nguồn: VITIC/Reuters, Bloomberg
Leave a reply