Tin Ngành Điện
Đẩy nhanh các dự án điện cấp bách cho thủ đô
Năm 2015, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) đã thực hiện khoảng 98,9% kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao, tăng 126% so với thực hiện năm 2014…. Năm 2016, EVN Hà Nội đang tập trung đẩy nhanh các dự án điện cấp bách cho thủ đô.
Công nhân Công ty Điện lực Thanh Xuân bảo dưỡng đường dây 110kV Hà Đông- Thượng Đình nhằm phòng ngừa sự cố. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Tiếp tục hoàn thiện các dự án cấp bách
Ông Nguyễn Anh Tuấn – Tổng Giám đốc EVN Hà Nội khẳng định, năm 2015, EVN Hà Nội đã tập trung mọi nguồn lực, phấn đấu hoàn thành các công trình đúng tiến độ, nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu về điện phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của thủ đô. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai công tác đầu tư xây dựng vẫn còn một số dự án chưa đạt được tiến độ đề ra, như dự án Trạm biến áp (TBA) 110kV Phú Xuyên – một dự án cấp bách cần sớm được hoàn thành để cấp điện cho khu vực Phú Xuyên và Thường Tín – đang bị chậm tiến độ do vướng qui hoạch, giải phóng mặt bằng (GPMB).
Đại diện chủ dự án chia sẻ, cuối năm 2015, dự án gặp vướng mắc trong xử lý các biển quảng cáo dọc đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ. Cụ thể, đường dây 110kV phần lớn đi dọc theo phía Tây đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, tuy nhiên, dọc tuyến đường này hiện có 15 biển quảng cáo thuộc quản lý của 7 đơn vị, doanh nghiệp cần phải di chuyển, tháo dỡ hoặc xử lý để đảm bảo hành lang an toàn cho tuyến đường dây, phù hợp với chỉ giới đường đỏ đã được phê duyệt.
Bên cạnh đó, một số dự án nằm gần khu vực dân cư nên đa số người dân phản đối không cho xây dựng công trình điện, có đơn thư khiếu kiện mặc dù đã thực hiện đầy đủ các quy trình, quy định về tham vấn cộng đồng trong quá trình xin thỏa thuận vị trí và địa điểm cho dự án, như TBA công Viên Thủ lệ, TBA Yên Phụ, Đường dây Chèm – Phúc Thọ…. Đây cũng là một trong những thách thức lớn đối với tổng công ty trong việc huy động các nguồn lực để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của các phụ tải.
Năm 2016, tập trung đảm bảo tiến độ các dự án
Ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, để giữ vững những thành quả đã đạt được trong công tác đầu tư xây dựng, năm 2016, EVN Hà Nội quyết tâm đảm bảo tiến độ các dự án, công trình điện, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng để khởi công và đưa vào vận hành các công trình điện cấp bách.
Ông Tuấn chia sẻ, Tổng công ty luôn xác định thứ tự ưu tiên trong quản lý tiến độ dự án, xây dựng kế hoạch tiến độ chi tiết cho các dự án cấp bách. Trong quá trình thực hiện, các đơn vị sẽ chủ động phối hợp với các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công xây lắp, chính quyền địa phương để giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh trong công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và kết thúc đầu tư xây dựng, đưa công trình vào khai thác sử dụng.
Công tác đền bù GPMB luôn được đánh giá là một trong những công tác gặp nhiều khó khăn, vì vậy EVN Hà Nội đang có những giải pháp quyết liệt. Cụ thể, EVN Hà Nội tranh thủ sự tạo điều kiện và hợp tác của các cơ quan, ban, ngành, các cấp chính quyền thành phố để thúc đẩy việc thoả thuận địa điểm, thoả thuận tuyến, xin cấp đất, xin phép xây dựng và tổ chức công tác đền bù giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ thi công.
Trên cở sở đó, EVN Hà Nội cũng đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng để khởi công và đưa vào vận hành các công trình trọng điểm, đặc biệt là các công trình khai thác tải 110kV, trung thế đồng bộ với các TBA 220kV do Công ty truyền tải điện quốc gia xây dựng sẽ hoàn thành trong năm 2016 (TBA Sơn Tây, Long Biên, Đông Anh, Tây Hà Nội).
Ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, nhiệm vụ kế hoạch đầu tư xây dựng trong năm 2016 của tổng công ty là rất lớn và sẽ còn nhiều khó khăn thách thức phải đối mặt. Tuy nhiên, tổng công ty quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc các mục tiêu và nhiệm vụ trong lĩnh vực đầu tư xây dựng năm 2016 và các năm tiếp theo, góp phần đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho phát triển kinh tế – xã hội của thủ đô.
Theo EVN Hà Nội, năm 2016, để nâng cao kết quả, chất lượng công tác tối ưu hóa chi phí trong đầu tư xây dựng, các đơn vị cần tập trung nguồn lực, khắc phục các nguyên nhân chủ quan và khách quan gây ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công tác đầu tư xây dựng. Các ban quản lý dự án cần nâng cao năng lực, trách nhiệm, đôn đốc sát sao các nhà thầu để họ thực hiện các dự án đúng tiến độ. |
Theo: Kinh tế VN
Tin Ngành Điện
Người Venezuela được nghỉ làm thứ Sáu để… tiết kiệm điện
Để tiết kiệm điện, Chính phủ Venezuela quyết định cho người lao động nước này nghỉ làm 3 ngày mỗi tuần…
Người dân Venezuela vẫy xe để tới chỗ làm sau khi dịch vụ tàu điện ngầm bị dừng do mất điện vào tháng 4/2011 – Ảnh: BI/Reuters.
Người lao động Venezuela sẽ được nghỉ làm ngày thứ Sáu trong vòng 2 tháng tới như một phần trong kế hoạch khẩn cấp nhằm tiết kiệm điện – Tổng thống nước này Nicolas Maduro tuyên bố.
Venezuela là quốc gia sở hữu trữ lượng dầu lửa đã được phát hiện lớn nhất thế giới, nhưng nền kinh tế nước này đang đối mặt với hàng loạt thách thức lớn: siêu lạm phát cao nhất thế giới, thiếu nghiêm trọng những hàng hóa cơ bản phục vụ cho đời sống hàng ngày của người dân như xà phòng, giấy vệ sinh, và tình trạng mất điện thường xuyên xảy ra.
Theo trang Business Insider, do xảy ra hạn nặng, mực nước tại các đập thủy điện ở Venezuela đã xuống rất thấp. Bởi vậy, để tiết kiệm điện, Chính phủ Venezuela quyết định cho người lao động nước này nghỉ làm 3 ngày mỗi tuần, bắt đầu từ ngày thứ Sáu tuần này cho tới ngày 6/6.
Quyết định trên được đích thân Tổng thống Maduro đưa ra trong một bài phát biểu trên kênh truyền hình nhà nước.
Ông Maduro nói Venezuela đang trong tình trạng khó khăn vì mực nước xuống thấp tại 18 con đập thủy điện của nước này.
Ông Maduro lấy dẫn chứng là con đập Guri ở bang Bolivia thuộc phía Đông Nam của Venezuela. Đập thủy điện này đáp ứng 70% nhu cầu điện năng của Venezuela, nhưng mức nước hiện chỉ còn cao hơn 3 cm so với mức báo động.
Ngoài việc cho người lao động nghỉ làm 3 ngày, Tổng thống Venezuela còn yêu cầu các công ty quốc doanh và cơ quan chính phủ giảm tiêu thụ điện 20%.
Tuy nhiên, ông Maduro đã không ra lệnh thực thi chính sách phân phối điện trong khu vực dân cư – đối tượng tiêu thụ điện lớn nhất ở Venezuela, hay tăng giá điện như một số lo ngại trước đó.
Tin Ngành Điện
65 triệu Euro đầu tư lưới điện thông minh
Ngày nay, các nước phát triển trên thế giới đang xu hướng đưa lưới điện thông minh vào vận hành tối ưu hóa hệ thống điện thay dần các lưới điện truyền thống hiện nay.
Xu hướng tới đây lưới điện thông minh sẽ thay dần các lưới điện truyền thống hiện nay. Ảnh:TTXVN
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt nội dung dự thảo Hiệp định vay giữa Chính phủ nước ta và Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) cho Dự án “Lưới điện thông minh – Hiệu quả trong truyền tải (giai đoạn 1)” trị giá 65 triệu Euro.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung thay mặt Chính phủ nước ta ký Hiệp định trên với đại diện có thẩm quyền của KfW.
Theo đó, ngân hàng Tái thiết Đức sẽ hỗ trợ Việt Nam tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống lưới điện thông minh nhằm tối ưu hóa hệ thống điện thay dần lưới điện truyền thống hiện nay.
Ngày nay, các nước phát triển trên thế giới đang xu hướng đưa lưới điện thông minh vào vận hành tối ưu hóa hệ thống điện thay dần các lưới điện truyền thống hiện nay.
Với những ưu điểm nổi bật của lưới điện thông minh như: dễ dàng kết nối và phát huy tối đa công suất của các nguồn cung cấp, cho phép các hộ tiêu thụ có vai trò trong việc tối ưu hóa vận hành lưới điện, cung cấp cho hộ tiêu thụ nhiều thông tin và nhiều phương án hơn về lựa chọn nguồn cung cấp.
Tại Việt Nam, từ cuối năm 2012, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt đề án phát triển lưới điện thông minh. Đến nay một số dự án về phát triển lưới điện thông minh đã và đang được các đơn vị liên quan triển khai.
Theo: BNews
Tin Ngành Điện
Hà Nội cam kết cung cấp đủ điện trong mùa hè 2016
Đây là khẳng định của ông Vũ Quang Hùng, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội tại cuộc họp giao ban báo chí chiều 5-4 về kế hoạch cung ứng điện mùa hè trên địa bàn Hà Nội năm 2016.
Được biết, đến hết năm 2015, Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội hoàn thành và đưa vào khai thác 26 công trình, trong đó có 2 công trình lưới điện 220 kV có tính chất đặc biệt quan trọng trong việc cấp điện cho khu vực trung tâm Hà Nội và lân cận và 24 công trình lưới điện 110 kV có tính chất quan trọng trong công tác vận hành, tăng cường khả năng truyền tải đường dây và công suất cho các trạm biến áp.
Ông Hùng cho biết thêm, Hà Nội là nơi có phụ tải điện cho sinh hoạt quản lý tiêu dùng cao nhất trong cả nước chiếm trên 55% tổng nhu cầu điện. Dự báo, năm 2016, thời tiết sẽ chịu ảnh hưởng của hiện tượng El-Nino, tình trạng lưới điện truyền tải, phân phối nhiều nơi bị xuống cấp cũng sẽ gây khó khăn cho công tác giảm tổn thất điện năng.
Theo dự báo, tốc độ tăng trưởng phụ tải trung bình trên địa bàn quản lý EVN HANOI năm 2016 khoảng 10,8%, công suất đỉnh dự kiến năm 2016 là 3.491 MW.
Theo: CAND
Tin Ngành Điện
Đóng điện thành công máy biến áp AT3 tại TBA 500kV Nho Quan
Vào lúc 18h30 ngày 31/3/2016, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc (NPMB) đã cùng các đơn vị liên quan tổ chức đóng điện thành công máy biến áp AT3 220kV-125MVA tại TBA 500kV Nho Quan – hoàn thành dự án “Lắp máy biến áp 220kV tại Trạm biến áp 500kV Nho Quan và mở rộng các ngăn lộ”.
Dự án “Lắp MBA 220kV tại trạm 500kV Nho Quan và mở rộng các ngăn lộ” do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư, có quy mô lắp đặt mới 01 MBA 220kV-125MVA, 2 ngăn lộ 220kV, 4 ngăn lộ 110kV và các hệ thống tích hợp như hệ thống điều khiển tích hợp, hệ thống điều khiển – đo lường – tự động, hệ thống thông tin liên lạc và SCADA. Toàn bộ các hạng mục của dự án được thực hiện trong khuôn viên của TBA 500kV Nho Quan hiện có thuộc thôn Liêu Thượng, xã Đồng Phong, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.
Việc lắp đặt máy biến áp AT3 tại TBA 500kV Nho Quan nhằm đáp ứng nhu cầu phụ tải ngày càng tăng cao của tỉnh Ninh Bình và một phần của tỉnh Hòa Bình, đảm bảo độ ổn định và khả năng vận hành an toàn, tin cậy cho lưới điện khu vực.
Theo: EVNNPT
Tin Ngành Điện
Đưa điện ra đảo Lại Sơn: Thách thức cùng biển cả
Đợt gió mùa Đông Bắc như mũi vacxin trái mùa cuốn tháng 3 đi xa.
Thi công xây dựng các trụ móng trên biển. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Khởi công ngày 4-9-2015, vào Dự án đưa điện ra xã đảo Lại Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang bằng đường dây 110kV trên không đang được Công ty CP Cơ khí Kiên Giang và Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô- Bộ Quốc phòng là các nhà thầu thi công phần trên biển đẩy nhanh tiến độ để có thể hoàn thành công trình cấp điện ra đảo Lại Sơn bằng lưới điện quốc gia trong thời gian sớm nhất.
Đảo Lại Sơn (hay còn được gọi là Hòn Rái, Hòn Sơn hay Hòn Sơn Rái) rộng 11,7 km2, có khoảng 1.600 hộ với 8.200 dân sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh cá, đóng tàu và làm nước mắm. Đảo có 4 làng chài: Bãi Thiên Tuế, Bãi Nhà (trung tâm hành chính của đảo), Bãi Bắc, Bãi Giếng. Ngoài bờ biển bao quanh đảo, thì một trong những thắng cảnh của đảo là đỉnh Ma Thiên Lãnh, cao 450m so với mực nước biển.
Các tổ máy phát điện Diesel trên đảo Lại Sơn sắp hoàn thành sứ mệnh của mình. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Dự án Cấp điện lưới quốc gia cho xã đảo Lại Sơn- Kiên Giang có 6 gói thầu xây lắp, trong đó, 3 gói thầu khó khăn nhất là phần xây dựng móng cột và lắp dựng gột, kéo dây trên biển do Công ty CP Cơ khí Kiên Giang thi công từ vị trí số 2 đến 18 (gói thầu số 2), Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô – Bộ Quốc phòng thi công từ vị trí số 19 đến 49 (gói thầu số 3) và Công ty CP xây lắp điện Cần Thơ thi công phần lắp dựng cột, kéo dây (gói thầu số 4). Khởi công ngày 7-10-2015, tính đến nay đã gần 180 ngày nhưng phần xây dựng móng cột đang được gấp rút hoàn thành. So với tiến độ hoàn thành công trình thì thời gian này đã vượt ngưỡng. Đội trưởng thi công Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô Nguyễn Mạnh Cường cho biết, Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô trúng thầu Gói số 3 là phần khó khăn nhất trên biển với độ sâu mực nước lớn từ 8m-11,5m từ vị trí số 19 đến 49 (31 trụ, mỗi trụ cách nhau 510m) tức phần giữa biển ra đến đảo Lại Sơn. Cọc móng có chiều dài từ 26m-30m, nhưng cọc sản xuất chỉ có chiều dài bằng một nửa nên đơn vị thi công phải nối trên xà lan.
Xà lan chuyên chở và đóng cọc làm móng của Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Lại Sơn là một trong 150 đảo lớn nhỏ, liên kết với nhau gần suốt chiều dài của Vùng biển Tây Nam, trở thành những căn cứ tiền tiêu chiến lược vô cùng quan trọng để bảo vệ tổ quốc, đồng thời cũng là cửa ngõ để chúng ta hòa nhập với thế giới, kết giao với bạn bè. Vùng biển Tây Nam nổi tiếng “hiền hòa” so với các vùng biển khác. Tuy nhiên, để thi công trên biển thì cũng muôn vàn khó khăn. Cứ hễ Miền Bắc có gió mùa là Vùng biển Tây Nam lại dậy sóng, không thể thi công được do thiết bị rung lắc. Đặc biệt, ngày mồng 1 và qua rằm đầu con nước cũng phải ngừng thi công. Nếu không có sóng thì chỉ thi công từ 3-4 ngày là hoàn thành một móng trụ nhưng có sóng thì không thể nói trước được. Địa chất dưới biển có đá, đất sét lần sỏi nên rất khó thi công, vì vậy, dù khởi công từ đầu tháng 10-2015, nhưng thời gian ngừng thi công do biển động nhiều hơn thời gian thi công. Sau Tết Nguyên đán, thưa dần những cơn gió mùa Đông Bắc, những ngày biển lặng nhiều hơn, anh em tận dụng hết thời gian có thể để đẩy nhanh tiến độ thi công, không kể ngày nghỉ, giờ nghỉ. Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô đã phải tăng cường thêm 2 đội thi công đóng cọc. Đến nay, đã hoàn thành 12/31 vị trí.
Những người thợ thi công bám trụ trên biển bất chấp thời tiết khắc nghiệt, biển động. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Dự án Cấp điện lưới quốc gia cho xã đảo Lại Sơn được thi công theo “hai mũi giáp công”, Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô thì công từ phía đảo Lại Sơn vào thì Công ty CP Cơ khí Kiên Giang thi công từ đất liền ra. Gói số 2 trên biển, từ vị trí số 2 đến số 18 được thuận lợi hơn về địa hình, địa chất so với phần thi công của Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô. Độ sâu mực nước chỉ 6m, lại thuộc phần bờ đất liền nên thuận lợi hơn về thời tiết. Đến thời điểm hiện nay, vật liệu cát, đá, xi măng đã được Công ty tập kết tại công trình; hoàn thành lắp đặt cốt thép, ván khuôn bệ móng vị trí từ số 2 đến số 6; hoàn thành đóng cọc đại trà từ vị trí số 2 đến số 10.
Đồng thời với tiến độ thi công trên biển, các nhà thầu thi công trên bờ cũng tập trung nhân lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ. Công ty xây lắp điện Cần Thơ thi công lắp dựng cột, kéo dây đã thi công phần móng vị trí số 1 (tiếp bờ phần đất liền) và vị trí số 50 (tiếp bờ phần đảo) và đang giải quyết mặt bằng phần trạm biến áp 110kV.
Hệ thống lưới điện hạ thế trên đảo đang được hoàn thiện, sẵn sàng kết nối cấp điện cho người dân. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Phần xây dựng lưới điện phân phối trên đảo Lại Sơn do Công ty Xây lắp điện 1 thi công đã đào được 272/556 móng; dựng 65/758 trụ.
Một ngày lênh đênh trên biển, chúng tôi cảm nhận được công việc mà những người lính Lũng Lô đang thực hiện gói thầu số 3 Dự án Cấp điện lưới quốc gia cho xã đảo Lại Sơn là vì danh dự, thương hiệu, uy tín của TCT Xây dựng Lũng Lô – Bộ Quốc phòng.
Chiều, nhìn từ phía biển, những xã đảo Hòn Tre, Lại Sơn, Nam Du…ngâm nửa mình dưới làn nước xanh như chứng tỏ mình là những người mê tắm biển. Một quần thể đảo nhỏ như cả một hạm đội đang canh giữ sự bình yên cho ngư dân trên biển.
Chia tay biển cả Tây Nam, chia tay những người thợ xây lắp, những người lính Lũng Lô, chúng tôi mang theo một niềm tin mãnh liệt của các anh: Tổ quốc của tôi, của chúng ta nhất định sẽ cường thịnh, văn minh, hiện đại từ những dòng điện vượt biển hôm nay.
Dự án Cấp điện lưới quốc gia cho xã đảo Lại Sơn- Kiên Giang là dự án cấp điện lưới quốc gia cho xã đảo có chiều dài đường dây trên không vượt biển lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam, được thực hiện trong điều kiện phức tạp, độ sâu nước biển lớn hơn nhiều so với đường dây 22kV cấp điện cho Trung tâm hành chính huyện Kiên Hải (Hòn Tre) trước đây.
Đến nay, dự án đã triển khai được toàn bộ các gói thầu: Tuyến đường dây 110kV trên đất liền (từ trạm biến áp 110kV An Biên đến cảng cá Xẻo Nhàu – huyện An Minh), tuyến đường dây 110kV vượt biển Xẻo Nhàu – Lại Sơn và hệ thống lưới điện phân phối trên đảo Lại Sơn.
Đối với hạng mục xây dựng lưới điện phân phối trên đảo Lại Sơn, là gói thầu làm móng trên nền địa chất toàn đá cứng, phải đào móng hoàn toàn thủ công và đôi khi phải nhờ đến lực lượng công binh hỗ trợ các biện pháp kỹ thuật phá đá để đóng móng trụ.
|
Theo Thanh Mai/Icon.com.vn
Tin Ngành Điện
Nỗ lực chống quá tải
Theo tính toán, năm 2016, nhu cầu phụ tải toàn TP. Hà Nội tăng khoảng 12 – 15%, trong khi nhiều trạm biến áp (TBA) 110kV trong đợt cao điểm nắng nóng năm trước đã hoạt động trong tình trạng đầy tải. Mặt khác, tình hình thời tiết được dự báo rất phức tạp, gây áp lực lớn tới công tác vận hành, dịch vụ khách hàng và đầu tư xây dựng cải tạo và nâng cấp lưới điện trên địa bàn.
EVN HANOI nỗ lực thực hiện các biện pháp nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho các TBA.
EVN HANOI hiện quản lý 1 TBA 220kV, 36 TBA 110kV, trên 719 km đường dây cao thế, 15.436 TBA trung gian, phân phối và trên 34.000 km đường dây trung hạ áp. Hệ thống lưới điện cao thế Hà Nội đã khép kín mạch vòng trong nội thành, bước đầu đã có dự phòng công suất đường dây (ĐD) và máy biến áp (MBA). Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu phụ tải tăng cao, ngay từ đầu năm, EVN HANOI đã chỉ đạo rà soát tình hình vận hành các ĐD và TBA có mức tải lớn hơn 80% trong hè năm 2015, trên cơ sở đó thực hiện các giải pháp chống quá tải mùa khô năm 2016 có tính đến khả năng cấp điện dự phòng của lưới điện (n-1).
Theo kế hoạch, năm 2016, EVN HANOI thay ít nhất 10 MBA 40MVA lên 63MVA, mục tiêu nhằm nâng cao khả năng cấp điện, kể cả trong lúc cao điểm nắng nóng, phụ tải tăng đột biến. Bên cạnh đó, EVN HANOI cũng chỉ đạo củng cố các đường trục trung áp, thực hiện các biện pháp nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho các TBA, ĐD trung áp. Ngay từ đầu năm 2016, EVN HANOI đã chỉ đạo thực hiện một số công trình trọng điểm nâng cấp lưới điện cao thế như: bổ sung máy cắt cho TBA 110kV Giám; nâng công suất MBA T1 và T2 từ 40 lên 63MVA của TBA 110kV Sài Đồng; nâng công suất MBA T2, cải tạo ngăn lộ 110kV của TBA 110kV Tía; nâng công suất TBA Vân Đình, nâng công suất TBA Văn Quán; lắp đặt bổ sung máy cắt TBA 110 Trôi và TBA 110KV Hải Bối… Đặc biệt, để cấp điện an toàn, ổn định phục vụ an ninh chính trị và phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn Thủ đô theo chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, năm 2016, EVN HANOI phải khởi công 55 công trình, hoàn thành 54 công trình lưới điện 220/110KV.
Với mục tiêu hiện đại hóa thiết bị, EVN HANOI dự kiến một số TBA đầu tư trong nội thành tới đây ở công viên Thủ Lệ, công viên Thống Nhất hay ở TBA 110kV Trần Hưng Đạo… sẽ áp dụng công nghệ trạm GIS (các thiết bị cách điện bằng khí SF6) hiện đại hơn rất nhiều và chiếm ít mặt bằng. Cùng với đó, các đơn vị trong EVN HANOI cũng chủ động thực hiện các giải pháp kỹ thuật để chủ động ứng phó kịp thời với các trường hợp xảy ra, bảo đảm cấp điện an toàn, liên tục với khả năng cao nhất trong mọi tình huống cho lưới điện TP. Hà Nội trong mùa hè 2016. Cụ thể, tăng cường tuần canh ĐD, kiểm tra các điểm nối, tiếp xúc nhiệt, xử lý kịp thời các điểm phát nhiệt tại các thiết bị điện; lắp đặt bộ báo tín hiệu sự cố trên các tuyến ĐD… Cùng với đó, EVN Hà Nội cũng tích cực triển khai các biện pháp ngăn ngừa tình trạng vi phạm hành lang lưới điện trên địa bàn thành phố…
Khó khăn nhất hiện nay trong công tác xây dựng lưới điện chống quá tải là vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng, trong đó một số dự án chưa được phê duyệt kế hoạch sử dụng đất. EVN HANOI đã kiến nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các ban, ngành liên quan tiếp tục tạo điều kiện, giúp đỡ trong công tác thỏa thuận tuyến ĐD, vị trí TBA để đơn vị có cơ sở triển khai đúng tiến độ các công trình nhằm cấp điện an toàn, ổn định cho Thủ đô Hà Nội. |
Theo: Báo Công thương
Tin Ngành Điện
EVNHANOI đã tiến hành rà soát tình hình vận hành, thống kê tải các đường dây, TBA, thực hiện các giải pháp chống quá tải mùa hè 2016.
Kiểm tra thiết bị bảo đảm vận hành an toàn, ổn định trạm biến áp 220 kV Tây Hồ của Công ty Lưới điện cao thế TP Hà Nội.
Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN HANOI) quản lý cấp điện cho toàn bộ địa bàn Thủ đô Hà Nội với 35 trạm biến áp (TBA) 110kV và một TBA 220kV có tổng công suất 4.228 MVA; 27 tuyến đường dây (ĐD) 110kV dài 711,824 km, trong đó có 674,4 km ĐD trên không, 37,34 km cáp ngầm; một tuyến ĐD 220kV dài 8,1 km. Đây là nhiệm vụ đầy khó khăn và thách thức đối với Tổng công ty trong việc bảo đảm an ninh, an toàn cấp điện ổn định và liên tục với chất lượng tốt cho Thủ đô Hà Nội.
Dự kiến năm 2016, tình hình thời tiết sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, với những biểu hiện cực đoan như mưa phùn, nắng nóng kéo dài, giông lốc bất thường đã gây áp lực rất lớn, ảnh hưởng công tác vận hành, dịch vụ khách hàng và đầu tư xây dựng cải tạo và nâng cấp lưới điện trên địa bàn. Để thực hiện tốt công tác này, ngay từ đầu năm, EVN HANOI đã tiến hành rà soát tình hình vận hành, thống kê tải các ĐD, TBA có mức tải lớn hơn 80% trong hè năm 2015, thực hiện các giải pháp chống quá tải mùa hè năm 2016 có tính đến khả năng cấp điện dự phòng của lưới điện (n-1) trong trường hợp sự cố nhằm hạn chế thiệt hại tối đa do gián đoạn cung cấp điện, làm ảnh hưởng hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống sinh hoạt của nhân dân Thủ đô.
Theo tính toán, năm nay, nhu cầu phụ tải toàn TP Hà Nội tăng khoảng 12 đến 15%. Hiện lưới điện cao thế Hà Nội đáp ứng đủ nhu cầu này, bước đầu đã có dự phòng công suất ĐD và MBA. Hệ thống lưới điện đã được khép kín mạch vòng trong nội thành. Nhiều TBA 110kV trong đợt cao điểm nắng nóng năm trước đã hoạt động 80 đến 90% công suất, gần đạt ngưỡng đầy tải. Vì vậy, Tổng công ty trong năm nay đã có kế hoạch nâng cấp MBA, theo đó, thay ít nhất mười MBA 40MVA lên 63MVA nhằm nâng cao khả năng cấp điện kể cả trong lúc cao điểm nắng nóng, phụ tải tăng đột biến. Bên cạnh đó, EVN HANOI cũng chỉ đạo củng cố các đường trục trung áp, thực hiện các biện pháp nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho các TBA, ĐD trung áp. Trong đầu năm 2016, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội đang tích cực chỉ đạo thực hiện một số công trình trọng điểm nâng cấp lưới điện cao thế như: bổ sung máy cắt cho TBA 110kV Giám; nâng công suất hai MBA T1 và T2 từ 40 lên 63MVA của TBA 110kV Sài Đồng; nâng công suất MBA T2, cải tạo ngăn lộ 110kV của TBA 110kV Tía; nâng công suất TBA Vân Đình, nâng công suất TBA Văn Quán; lắp đặt bổ sung máy cắt TBA 110 Trôi và TBA 110KV Hải Bối…
Với đặc thù Hà Nội khó khăn về bố trí mặt bằng, một số TBA tới đây nếu đầu tư trong nội thành cũng phải áp dụng công nghệ trạm GIS (các thiết bị cách điện bằng khí SF6) hiện đại hơn rất nhiều và chiếm ít mặt bằng hơn, dự kiến ở Công viên Thủ Lệ, Công viên Thống Nhất hay ở TBA 110kV Trần Hưng Đạo hiện nay. Cùng với đó, các đơn vị trong EVN HANOI cũng chủ động thực hiện các giải pháp kỹ thuật ngay từ cuối năm 2015 và đầu năm 2016 để ứng phó chủ động, kịp thời với các trường hợp xảy ra, bảo đảm cấp điện an toàn, liên tục với khả năng cao nhất trong mọi tình huống cho lưới điện TP Hà Nội trong mùa hè 2016 như: tăng cường tuần canh ĐD, kiểm tra các điểm nối, tiếp xúc bằng ca-mê-ra nhiệt, xử lý kịp thời các điểm phát nhiệt tại các thiết bị điện; thực hiện lắp đặt bộ báo tín hiệu sự cố trên các tuyến ĐD… Cùng với đó, EVN Hà Nội cũng tích cực triển khai các biện pháp ngăn ngừa tình trạng vi phạm hành lang lưới điện trên địa bàn thành phố…
Năm 2016, EVN HANOI phải thực hiện một loạt các công trình lưới điện có tính chất cấp bách theo chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam để cấp điện an toàn, ổn định phục vụ an ninh chính trị và phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn Thủ đô với mục tiêu khởi công 55 công trình, hoàn thành 54 công trình lưới điện 220/110KV. Tuy nhiên, việc thực hiện công tác thu hồi đất các dự án điện trên địa bàn TP Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc, trong đó một số dự án chưa được bổ sung, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất. Việc đầu tư, nâng cấp lưới điện đang rất cấp bách, song thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng để làm một vị trí cột, trạm biến áp có khi mất tới cả năm vì đụng đâu cũng là “tấc đất, tấc vàng”. Chính vì vậy, EVN HANOI đã kiến nghị UBND thành phố Hà Nội, các sở, ban, ngành và chính quyền các địa phương tiếp tục tạo điều kiện, giúp đỡ trong công tác thỏa thuận tuyến ĐD, vị trí TBA để đơn vị có cơ sở triển khai đúng tiến độ các công trình theo quy hoạch nhằm bảo đảm cấp điện an toàn, ổn định cho Thủ đô Hà Nội.
Theo Tùng Lâm/Icon.com.vn
Tin Ngành Điện
Bóng đèn mới tiết kiệm điện tới 80% so với đèn LED
Được tỷ phú bất động sản Hồng Kông Lý Gia Thành đầu tư, đèn Nanoleaf là chiếc đèn tiết kiệm điện nhất thế giới.
Nanoleaf không có thiết kế hình vòng cung giống như những loại bóng đèn bình thường khác, thay vào đó Nanoleaf sử dụng các bóng đèn LED nằm trên các bản mạch gấp, bóng đèn mang tính chất công nghiệp, ánh sáng được tỏa ra mọi hướng. Hơn nữa, vì sử dụng bóng LED trên các bản mạch nên lượng nhiệt sẽ được tỏa ra và khi sờ vào bóng đèn sẽ không bị bỏng, rất an toàn khi có trẻ nhỏ ở bên.
Đừng nghĩ Nanoleaf chỉ khác lạ ở hình dáng đèn, nó còn là bóng đèn sử dụng năng lượngtiết kiệm nhất trên thế giới, tiết kiệm điện so với bóng LED thông thường tới 80%. Không chỉ tiết kiệm năng lượng, tuổi thọ của bóng Nanoleaf còn rất dài, nếu một bóng Nanoleaf mỗi ngày sử dụng khoảng 3 – 4 tiếng thì tuổi thọ của bóng Nanoleaf sẽ kéo dài đến 27 năm.
Bóng đèn Nanoleaf còn có thể điều chỉnh cường độ ánh sáng mà không cần sử dụng phần mềm hay phụ kiện gì cả, chỉ cần sử dụng những công tắc ở nhà bình thường là có thể thay đổi được.
Lúc đèn Nanoleaf được bật sáng nhất, công suất của đèn tương đương với một bóng đèn 75W thậm chí còn sáng hơn, nhưng công suất của Nanoleaf chỉ hơn 10W. Đèn càng tối thì càng tiết kiệm điện. Nanoleaf còn có thể sử dụng làm đèn ngủ, khi đó công suất của đèn còn 5% và tiêu thụ 0.5W.
Nanoleaf còn hỗ trợ thiết bị dành cho nhà thông minh của Apple là Homekit, và có thể thông qua Siri để điều chỉnh bằng giọng nói.
Bóng Nanoleaf có khá nhiều màu để cho bạn lựa chọn, nhiệt độ ánh sáng có 2 loại 3000K và 6000K, chỉ tiếc là bóng Nanoleaf không đổi màu được.
Một bóng đèn Nanoleaf hiện nay có giá là hơn 800.000 VNĐ, có vẻ là hơi đắt nhưng với thiết kế độc đáo, khả năng tiết kiệm điện nhất thế giới cùng với tuổi thọ cao thì đây là một món đồ rất đáng tiền.
Theo: Tri Thức trẻ
Phản hồi gần đây