Tin Bất Động Sản
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy nhận định phân khúc nhà ở giá thấp và trung bình lại có số người sử dụng nhiều nhất, tiêu tốn nhiều năng lượng nhất.
Hội thảo Công trình xanh cho phân khúc nhà ở giá thấp và trung bình. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN
Công trình xanh cho phân khúc nhà ở giá thấp và trung bình là chủ đề chính của hội thảo do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Thủ đô (Capital House) phối hợp tổ chức tại Hà Nội sáng 27/4.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy nhận định, nhà ở giá thấp và trung bình chưa được quan tâm ứng dụng các thiết kế xanh, công nghệ thông minh và tiết kiệm năng lượng mà chủ yếu tập trung ở phân khúc nhà ở thương mại và cao cấp. Tuy nhiên, chính phân khúc nhà ở giá thấp và trung bình lại có số người sử dụng nhiều nhất, tiêu tốn nhiều năng lượng nhất.
Bởi vậy, giải pháp xanh tại nhóm công trình này sẽ góp phần tạo nên những cộng đồng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Đây cũng chính là định hướng phát triển của Bộ Xây dựng đối với phân khúc nhà ở này tại Việt Nam .
Trên thế giới, kiến trúc xanh ngày càng trở nên phổ biến và là xu thế tất yếu hướng đến phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng, tài nguyên.
Theo bà Vũ Thị Kim Thoa – Trưởng tư vấn Chương trình Năng lượng sạch USAID Việt Nam, công trình xanh có thể tiết kiệm 50% tiêu thụ năng lượng so với thiết kế ban đầu mà không làm tăng chi phí. Lợi ích rõ ràng nhất của công trình xanh là giảm chi phí vận hành (thường chiếm hơn 80% chi phí đầu tư). Qua đó, làm tăng giá trị tài sản, mức hoàn vốn đầu tư nhanh, hấp dẫn khách hàng…
Tại hội thảo, ông Đặng Thành Long – Hội đồng công trình xanh Việt Nam cho biết, các tiêu chí công trình xanh được biết nhiều nhất là bộ Lutus. Bộ chỉ số này được phát triển dựa trên các điều kiện riêng biệt của Việt Nam, nhất là về khí hậu, tự nhiên; điển hình là các công trình thích ứng với ngập lụt, phù hợp với trình độ phát triển của lĩnh vực xây dựng. Về lợi ích của công trình xanh, chủ đầu tư sẽ là người cảm nhận rõ nhất.
Chia sẻ kinh nghiệm, các chuyên gia đến từ Đan Mạch cho biết công trình xanh là quy định bắt buộc tại quốc gia này và được áp dụng từ những năm 1960 với tỷ lệ tiết kiệm được khoảng 50% lượng năng lượng tiêu thụ. Năm 2020, Đan Mạch phấn đấu giảm mức tiêu thụ năng lượng trong các công trình xây dựng xuống mức 0%.
Việt Nam là nước đứng thứ 7 toàn cầu về thiệt hại do biến đổi khí hậu. Vì vậy, thay đổi nhận thức của nhà quản lý, doanh nghiệp phát triển dự án và cộng đồng dân cư về phát triển công trình xanh, tiết kiệm năng lượng và sử dụng tái tạo là cần thiết.
Tại Việt Nam, một số chủ đầu tư đã tiên phong trong xu hướng phát triển kiến trúc xanh như: Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Thành phố Hồ Chí Minh), Khu đô thị Bắc Linh Đàm, Khu đô thị Vincom Villas Long Biên, dự án EcoLife Capital…
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng ở phân khúc nhà ở giá thấp và trung bình, kiến trúc xanh và tiết kiệm năng lượng chưa thực sự được quan tâm do mục tiêu giảm giá thành lấn át. Cùng đó, yếu tố nhận thức và trách nhiệm xã hội của các đơn vị phát triển dự án cũng là rào cản khi lựa chọn ứng dụng các giải pháp kiến trúc xanh, tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam.
Theo Thu Hằng/BNEWS/TTXVN
Leave a reply